10:03, 14/03/2013

Quyền được thông tin

Đó là 1 trong 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng được nêu trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; ....

Đó là 1 trong 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng (NTD) được nêu trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD. Theo đó, NTD được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch…

Luật đã có, nhưng trên thực tế, thông tin về hàng hóa, dịch vụ mà NTD mua và sử dụng hiện nay rất mơ hồ. Hàng loạt vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ xuất xứ, thực phẩm độc hại bị phát hiện gần đây khiến NTD không khỏi hoang mang. Đó là chưa kể “phần chìm của tảng băng” mà lực lượng kiểm tra chưa quản lý xuể. Đối với người dân, không phải ai cũng là “NTD thông thái” để biết thịt heo gia đình mình ăn hàng ngày có chứa chất tạo nạc hay không; rau, củ, quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép hay không? Không phải ai cũng phân biệt được mỹ phẩm giả với mỹ phẩm “xịn”, mũ bảo hiểm giả và mũ bảo hiểm thật, bình gas sang chiết lậu với gas chính hãng khi hàng giả làm giống y hàng thật và bày bán tràn lan. Không phải bà mẹ nào mua sữa cho con cũng có điều kiện mang sữa đi kiểm tra chất lượng, thành phần xem có đúng với những gì nhà sản xuất quảng cáo… Trong khi các cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt trong việc kiểm tra, xử lý các trường hợp gian lận thương mại, tạo dựng môi trường lành mạnh trong kinh doanh thì NTD chỉ còn biết tin vào… lương tâm của người sản xuất.

Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần chủ động siết chặt quản lý thị trường, thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh chứ không phải đợi đến khi NTD lãnh hậu quả từ hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng và khiếu nại thì lực lượng kiểm tra mới vào cuộc. “Danh sách đen” các cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… cần phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để NTD cảnh giác và tẩy chay những đơn vị kinh doanh gian dối. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm ăn chân chính cần tăng cường thông tin trên báo chí hay website của mình các dấu hiệu nhận biết hàng thật, trưng bày những mặt hàng bị làm giả, làm nhái để NTD nhận biết, đồng thời, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật cho NTD để họ chủ động bảo vệ mình khi quyền lợi bị xâm phạm.

T.V