11:03, 01/03/2013

Lại chuyện giá!

Tết vừa qua Khánh Hòa có khoảng 70 chiếc tàu đánh cá đón Tết ngoài biển khơi. Có nghĩa là, trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, trên vùng biển, đặc biệt là ngư trường Trường Sa của chúng ta vẫn có hàng trăm, hàng nghìn ngư dân bám biển sản xuất.

Tết vừa qua Khánh Hòa có khoảng 70 chiếc tàu đánh cá đón Tết ngoài biển khơi. Có nghĩa là, trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, trên vùng biển, đặc biệt là ngư trường Trường Sa của chúng ta vẫn có hàng trăm, hàng nghìn ngư dân bám biển sản xuất.

Những ngày Tết, thời tiết có xấu, nhưng sản lượng cá lại rất tốt. Có tàu về đạt sản lượng đến 5 tấn cá ngừ đại dương.

Cá nhiều là niềm vui khôn tả của người đi biển. Nhưng, niềm vui chỉ có… một nửa.

Bởi, giá cá ngừ rớt đến thảm hại. Chiều ngày 27-2, tại cảng cá Hòn Rớ, giá cá ngừ đại dương chỉ còn từ 60 đến 65 nghìn đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với trước đó và thấp chưa từng có từ trước tới nay. Đã vậy, người mua còn chậm trả tiền, khiến ngư dân rất khó khăn trong việc đầu tư cho những chuyến biển mới.

Trước nay, một trong những điểm yếu của ngư dân chúng ta là công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Các tàu cá hiện đại sử dụng công nghệ cấp đông ở nhiệt độ rất thấp, khoảng -500C đến -600C nên cá có chất lượng rất cao. Còn tàu của ngư dân ta nhỏ, sử dụng đá lạnh non, không giữ được độ lạnh nên chỉ có từ 30 đến 40% sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Thêm vào đó, theo các nhà chuyên môn, cá ngừ được đánh bắt theo cách dụ đèn cao áp có chất lượng không cao so với cách câu vàng truyền thống trước nay.
Vấn đề quan trọng nữa là việc thu mua hiện hoàn toàn dựa vào cảm quan, chưa có bất cứ một tiêu chuẩn cụ thể nào. Hầu hết, người mua tự xếp loại, theo cảm nhận, rồi áp giá. Ngư dân luôn luôn chịu thiệt thòi. Toàn tỉnh hiện có đến hàng nghìn chiếc tàu đánh cá vươn khơi mà điểm thu mua, người mua lại ít. Cho nên, tình trạng ép cấp, ép giá thường xuyên xảy ra cũng là điều dễ hiểu. Và, thu nhập từ mỗi chuyến biển của ngư dân dường như không được quyết định bởi lượng cá nhiều hay ít, mà chính là sự định đoạt giá cả của các chủ vựa.

Các nhà quản lý hiện nay đều thống nhất cho rằng, cần thiết phải có chợ giao dịch cá ngừ để minh bạch hóa phân loại chất lượng cá cũng như giá cả. Ngư dân đang mong chờ sự ra đời của những chợ giao dịch cá ngừ đúng nghĩa, với đầy đủ các điều kiện bảo quản, cơ sở định giá và các thủ tục mua bán được tiến hành một cách sòng phẳng, dễ dàng, nhanh chóng. Tuy nhiên, cho đến nay, đây vẫn chỉ là một ước mơ, không hơn không kém.

Do đó, bên cạnh việc giúp ngư dân đầu tư nâng cấp công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chúng ta cần sớm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá chất lượng cá ngừ, cũng như có các giải pháp thu mua hợp lý để đảm bảo lợi ích cho bà con ngư dân cũng như doanh nghiệp.

Ngư dân Lê Văn Dũng nói: “Ngày 19 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 28-2), là ngày tốt, thời tiết biển cũng đang rất tốt, hàng trăm tàu của bà con ở đây đồng loạt ra khơi. Đi vậy, nhưng không biết về rồi bán giá được bao nhiêu”.

Nghe như một tiếng thở dài.

PHONG NGUYÊN