Để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều đạo luật quan trọng, tạo nên khung pháp lý tương đối đầy đủ cho DN hoạt động, trong đó có Nghị định (NĐ) 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp (DN), thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều đạo luật quan trọng, tạo nên khung pháp lý tương đối đầy đủ cho DN hoạt động, trong đó có Nghị định (NĐ) 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho DN. Theo NĐ này, DN nhận được nhiều sự hỗ trợ về mặt pháp lý, có nhiều quyền, được hưởng nhiều lợi ích, nhưng trên thực tế, sau 5 năm triển khai NĐ, dường như chưa có sự thay đổi đáng kể nào trong hoạt động này. Chính vì vậy, việc tăng cường HTPL cho DN là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hoạt động HTPL cho DN thời gian qua chủ yếu vẫn là in ấn tài liệu, văn bản pháp luật, tuyên truyền, tập huấn, đào tạo. Với nguồn kinh phí HTPL cho DN là 190 tỷ đồng trong 4 năm (2010 - 2014) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tính ra mỗi năm, một DN chỉ nhận được một cuốn sách. Theo các DN, điều họ cần hiện nay không chỉ là việc tuyên truyền, đào tạo, phổ biến pháp luật; mà quan trọng là họ đang không biết ứng xử với pháp luật như thế nào trước những vướng mắc thực tế. Đây là tình trạng chung của hầu hết DN hiện nay.
Khánh Hòa hiện có 3 tổ chức thực hiện dịch vụ tư vấn pháp luật là: Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Hội Luật gia và Đoàn Luật sư tỉnh. Những năm qua, tuy hoạt động của các tổ chức này đã đạt được những kết quả nhất định nhưng đội ngũ luật sư tư vấn DN vẫn còn yếu và thiếu, chưa đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của DN. Một số luật sư cho biết, hiện nay, hệ thống pháp luật còn nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn cho DN và cả cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật. Hơn nữa, nhận thức của DN về vai trò của pháp luật đối với hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cao. Do đó, khi phát sinh vướng mắc, DN chưa nhận thức được quyền lợi của mình trong việc yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước HTPL, cũng như chưa có thói quen sử dụng tư vấn pháp luật để giải quyết các tình huống pháp lý. Khó khăn nữa là tính chuyên ngành về kinh doanh thương mại của các luật sư trên địa bàn tỉnh chưa cao.
Theo Chương trình HTPL liên ngành dành cho DN giai đoạn 2010 - 2014, các hoạt động HTPL cho DN được thực hiện thông quan 3 dự án gồm: Hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho DN; HTPL cho DN trên một số hoạt động cụ thể; Tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng HTPL cho DN. Với các dự án này, DN được tạo điều kiện tiếp cận với các thông tin pháp lý một cách kịp thời, nhanh chóng từ nhiều nguồn khác nhau; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật và thói quen sử dụng tư vấn pháp luật của người quản lý DN.
Tuy nhiên, để việc HTPL cho DN có tác dụng thiết thực, theo các chuyên gia, việc hỗ trợ cần tập trung vào một số đối tượng cụ thể trong DN, thông qua những kênh quan trọng như: các tổ chức tư vấn, dịch vụ pháp lý và lực lượng pháp chế DN. Đặc biệt, theo quy định tại NĐ 66, các DN phải có trách nhiệm chủ động tìm hiểu pháp luật, bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế DN hoặc thuê luật sư tư vấn để giúp DN thực thi pháp luật. Sự chủ động của DN cộng với sự hỗ trợ từ nhiều đơn vị sẽ là biện pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức về pháp luật cho các DN, góp phần hạn chế tối đa những rủi ro trong hoạt động kinh doanh
Ngọc Khánh