Thời gian qua, không riêng địa bàn Khánh Hòa mà khắp cả nước, tình trạng mua bán, sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng (hay còn gọi là mũ bảo hiểm thời trang) hết sức phổ biến.
Thời gian qua, không riêng địa bàn Khánh Hòa mà khắp cả nước, tình trạng mua bán, sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng (hay còn gọi là MBH thời trang) hết sức phổ biến. Những chiếc mũ này gần như không có tác dụng bảo vệ, bởi vỏ mũ được làm từ nhựa tái chế, không phải bằng hạt nhựa nguyên chất. Loại mũ này thiếu hẳn phần quan trọng nhất là lớp xốp bảo vệ bên trong để hấp thụ xung động khi xảy ra va đập, do đó không có tác dụng bảo vệ đầu khi bị tai nạn giao thông. Tuy nhiên, những chiếc mũ này lại thu hút khá đông người mua (đa số là thanh niên) bởi kiểu dáng đa dạng, màu sắc phong phú và đặc biệt giá chỉ từ 20 đến 30 ngàn đồng/chiếc, rất rẻ so với mũ đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân sử dụng loại mũ này chỉ nhằm đối phó với cơ quan chức năng, không nghĩ đến tính mạng, sức khỏe của mình.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thời gian qua, đã có 90% người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đội MBH, nhưng trong số này có tới 70% sử dụng MBH không đảm bảo chất lượng. Đây là con số đáng lo ngại, bởi một khi tai nạn xảy ra, những chiếc MBH dỏm sẽ không có tác dụng bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người đội. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây trên truyền hình, nhiều người trẻ (sử dụng MBH thời trang) đã hồn nhiên trả lời rằng, họ thích đội loại mũ này vì nó đẹp, nhẹ, không làm hỏng mái tóc uốn cầu kỳ và đặc biệt là... rẻ. Điều này cho thấy, không ít người vẫn đặt chữ “đẹp” lên trước chữ “an toàn” khi tham gia giao thông; trong khi lẽ ra, họ phải làm ngược lại, đó là phải “an toàn” thì mới “đẹp” được. Không có an toàn thì đẹp để làm gì nếu chẳng may xảy ra tai nạn gây chấn thương sọ não?
Lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Nha Trang cho biết, năm 2012, đơn vị này đã xử phạt hơn 2.500 trường hợp vi phạm các quy định về đội MBH, còn từ đầu năm đến nay đã xử phạt hơn 400 trường hợp. Các vi phạm chủ yếu là: điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đội MBH, đội MBH không đúng quy cách như không cài dây..., riêng các trường hợp đội MBH kém chất lượng chưa bị xử lý.
Có ý kiến cho rằng, để giải quyết tình trạng người dân sử dụng MBH dỏm cần phải phạt tận gốc, tức là nơi sản xuất, kinh doanh MBH chứ không phải là “chặt” cái ngọn, tức là phạt người đội mũ. Tuy nhiên, trong khi chờ các cơ quan chức năng thống nhất biện pháp xử lý tình trạng sản xuất, mua bán, sử dụng MBH kém chất lượng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ mình khi tham gia giao thông. Hãy đặt sự an toàn của mình lên trên hết, đừng vì cái “đẹp” và “thời trang” mà ảnh hưởng đến tính mạng.
Ngọc Khánh