Những năm gần đây, thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển đáng kể và sẽ trở thành một phương thức để mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam phát triển đáng kể và sẽ trở thành một phương thức để mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, tại Khánh Hòa, lĩnh vực này còn khá mới mẻ. Trên địa bàn tỉnh gần như chỉ có các DN lớn, các ngành sản xuất kinh doanh có giao dịch buôn bán với nước ngoài mới xây dựng website để quảng bá hình ảnh và thương hiệu DN như: ngành Du lịch, công nghiệp may mặc, cà phê, thuốc lá, chế biến thủy sản... Nhưng các website này mới chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin chứ chưa phát triển tính năng tương tác với khách hàng như mua hàng, thanh toán trực tuyến...
Để phát triển TMĐT trong DN, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2011 - 2015 với nhiều gói giải pháp hỗ trợ DN cũng như nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước. Để thực hiện kế hoạch này, Sở Công Thương sẽ triển khai nhiều hoạt động như tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho DN và người tiêu dùng về TMĐT, phổ biến pháp luật về TMĐT; cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ 20 DN xây dựng website riêng; quảng bá, giới thiệu website của DN cũng như các sản phẩm sản xuất trong tỉnh trên website của Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường...
Theo ý kiến của các chuyên gia, để phát triển TMĐT, một yếu tố quan trọng là phải có nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều DN chưa quan tâm đến vấn đề này. Một số DN có đầu tư về công nghệ thông tin nhưng kinh phí dành cho đào tạo khá khiêm tốn (chỉ khoảng 6 - 7% trên tổng kinh phí phát triển TMĐT). Chính vì không có chiến lược đầu tư về nhân lực cũng như chính sách bảo mật thông tin, chính sách chuyển hàng, thanh toán... nên hoạt động của DN gặp nhiều khó khăn khi tham gia thị trường TMĐT.
Cách đây không lâu, dư luận từng xôn xao trước một số vụ lừa đảo liên quan đến TMĐT như: Vụ lừa đảo của MB24 hay vụ tạm ngừng giao dịch của một website mua sắm cộng đồng là nhommua.com khiến không ít người tiêu dùng thiệt hại về vật chất và nhiều đối tác cung cấp hàng hóa, dịch vụ tổn thất về uy tín. Đây chính là bài học cho các DN cũng như người tiêu dùng khi bước chân vào sân chơi TMĐT. Thực tế này cũng cho thấy, đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, công tác bảo mật thông tin cũng như nguồn lực là những bước quan trọng để đảm bảo phát triển TMĐT an toàn và hiệu quả.
NGỌC KHÁNH