11:03, 15/03/2013

Chuyện Quốc hoa

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về lựa chọn, suy tôn quốc hoa.

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về lựa chọn, suy tôn quốc hoa.

Quốc hoa được hiểu là loài hoa biểu trưng cho một nước, được mọi người dân yêu thích; là biểu tượng tinh thần, đặc trưng văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia. Hiện nay, có nhiều quốc gia trên thế giới đã có quốc hoa.

Có lẽ, khi bàn luận câu chuyện về quốc hoa của Việt Nam, không ít người Việt chúng ta đã nghĩ ngay đến một loài hoa rất đỗi bình dị và thân thiết: Hoa sen. Nói cụ thể hơn, ở đây là sen hồng, để phân biệt với một số loài sen khác, như: sen trắng, sen xanh, sen vàng…

Từ xưa lắm, người Ai Cập cổ đại hết mực sùng bái hoa sen và sử dụng hoa sen trong các kỳ tế lễ trang trọng. Người xưa coi hoa sen như là sự sống xuất hiện lần đầu tiên trong khoảng không vô định của khởi nguyên vũ trụ. Có lẽ, chính vì vậy, hoa sen được coi là biểu trưng cho các cuộc sinh thành và tái sinh; cũng là biểu tượng của sự hài hòa trong vũ trụ. Trong Phật giáo, hoa sen tượng trưng cho sự tinh khiết của thể xác, lời nói và tinh thần. Và cho tới nay, hình ảnh Kim thân Đức Thích Ca Mâu Ni vẫn luôn hiện hữu trên một đài sen.

Hoa sen sống ở giữa vùng nước tù đọng, vấy đục. Nhưng bông sen có một nét đẹp thanh khiết và hoàn mỹ tới mức ít có loài hoa nào sánh kịp. Màu hoa trong trắng, hương hoa thanh tao, đứng giữa bùn nhơ như một ẩn dụ tuyệt vời về đức hạnh kiên trinh. Vẻ đẹp tương phản ấy là sự thể hiện một sức mạnh phi thường về bản lĩnh, về tinh thần.

Có nhiều ý kiến băn khoăn rằng, hiện đã có Ấn Độ và một vài nước khác đã chọn hoa sen làm quốc hoa, liệu chúng ta chọn hoa sen thì sẽ trùng lắp chăng. Thực tế, chúng ta thấy, đã có rất nhiều nước chọn hoa hồng làm quốc hoa như: Iran, Iraq, Bulgari, Bồ Đào Nha, Hoa Kỳ… hoặc hoa tuy-líp đã được các nước như: Afganistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Bỉ… chọn làm quốc hoa.

Người Việt chúng ta không ai không biết, không thuộc câu:

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Và, trong thời gian kháng chiến chống giặc ngoại xâm giành độc lập dân tộc, đây đó, trong máu lửa chiến tranh, vẫn nghe tha thiết một giọng hò:

Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên cụ Hồ.

Quả thật, chẳng phải ngẫu nghiên mà người dân Việt chúng ta gắn liền hai hình ảnh rất đỗi thanh cao và thiêng liêng ấy với nhau.

PHONG NGUYÊN