Thời gian gần đây, những sản phẩm nông nghiệp như: sầu riêng hạt lép, mía tím (huyện Khánh Sơn), xoài Úc (huyện Cam Lâm), tu hài (ở các địa phương: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Lâm, Cam Ranh)… đã tạo được dấu ấn riêng, .....
Thời gian gần đây, những sản phẩm nông nghiệp như: sầu riêng hạt lép, mía tím (huyện Khánh Sơn), xoài Úc (huyện Cam Lâm), tu hài (ở các địa phương: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Lâm, Cam Ranh)… đã tạo được dấu ấn riêng, từng bước khẳng định được thương hiệu, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên khá giả.
Để có được những sản phẩm ấy, nông dân đã thể hiện một cách rất thuyết phục tính nhạy bén, năng động của mình. Có thể kể một số trường hợp.
Cả một thời gian rất dài, huyện miền núi Khánh Sơn đau đầu với bài toán trồng cây gì. Một thời, những tưởng người dân sẽ nhanh nhóng giàu lên nhờ cây hồ tiêu, cà phê. Nhưng ấy chỉ là giấc mơ. Đẹp, nhưng vội tan. Người dân lại lặn lội đi tìm loại cây trồng mới. Tình cờ, có người mang cây sầu riêng lên Khánh Sơn trồng, cây lên tốt. Huyện tiến hành tìm hiểu kỹ lưỡng về các yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng địa phương cũng như đặc tính của cây sầu riêng rồi mua về trồng thử. Hợp với đất lành, cây nhanh cho trái. Đến nay, Khánh Sơn đã có ngót nghét 500ha sầu riêng; và sản phẩm sầu riêng hạt lép Khánh Sơn đã được bảo hộ thương hiệu.
Cam Lâm một thời nổi tiếng với giống xoài Tây, trái ngọt theo xe đường dài vào Nam, ra Bắc. Nhưng giống này ngày một bị thoái hóa, dẫn đến năng suất, chất lượng không cao. Người dân lần hồi vào miền Nam tìm các giống xoài cát Hòa Lộc, xoài Bồ, xoài Úc… mang về trồng. Đến nay, hầu hết số diện tích xoài Tây đều được thay thế bằng giống xoài mới, trong đó có giống xoài Úc đang được xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Hoặc chuyện con tu hài, nhiều nông dân Khánh Hòa đã “cả gan” bỏ tiền túi mua vé máy bay ra tận Vân Đồn (Quảng Ninh) học tập, rồi mua giống tu hài về nuôi thử. Hiện nay, tuy còn rất khó khăn, nhưng mô hình nuôi tu hài vẫn được nhiều nông dân theo đuổi, bởi giá tu hài trên thị trường khá cao.
Thời gian qua, công tác khuyến nông, khuyến ngư đã được chú trọng; lực lượng được bố trí rộng khắp từ tỉnh xuống tận xã, phường. Lực lượng này đã có nhiều hoạt động bám sát các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm; từng bước chuyển tải những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số lượng không nhỏ khuyến nông viên hoạt động ở tuyến xã, phường có trình độ, năng lực chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Cho nên việc tìm giống, chăm sóc các đối tượng nuôi trồng mới vẫn phải trông chờ vào tâm huyết và kinh nghiệm của những “lão nông tri điền” luôn gắn bó máu thịt với thực tiễn sản xuất của địa phương.
Nông dân chúng ta vốn cần cù và thông minh. Nhưng chỉ có kinh nghiệm thôi là chưa đủ. Họ rất cần được hỗ trợ một cách kịp thời và hiệu quả về khoa học, kỹ thuật để tránh những rủi ro không đáng có trên bước đường khám phá, tìm tòi cái mới.
PHONG NGUYÊN