09:02, 25/02/2013

Nghĩ về y đức

Sắp đến ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2).

 

Sắp đến ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2).

Trong ngày này, sẽ có rất nhiều lẵng hoa, lời chúc mừng tốt đẹp gửi đến các thầy thuốc - những người đã và đang gánh trên vai trách nhiệm nặng nề là bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Người dân, đặc biệt là người bệnh, không có mong muốn gì hơn là chúc các thầy thuốc thật nhiều sức khỏe để làm tốt công việc của mình; mong Nhà nước có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thầy thuốc an tâm làm việc, công hiến nhiều hơn nữa tài năng, trí tuệ của mình cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thực tế, đã có không ít thầy thuốc sống và làm việc theo đúng lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”. Có những thầy thuốc đã thức đêm thức hôm để theo dõi sức khỏe bệnh nhân (BN); có thầy thuốc đứng liên tục 10 - 12 tiếng đồng hồ để thực hiện những ca mổ phức tạp, nối từng sợi dây thần kinh, từng mạch máu cho BN; có thầy thuốc tuy đã hết ca trực nhưng vẫn vào bệnh viện theo dõi tình trạng sức khỏe BN mà mình đã phẫu thuật, điều trị... Mong muốn của thầy thuốc bao giờ cũng là mong muốn của thân nhân người bệnh, đó là làm sao cho BN mau khỏi bệnh, xuất viện, trở lại cuộc sống đời thường.

Thế nhưng, bên cạnh những thầy thuốc luôn hết lòng vì người bệnh, đó đây, lúc nọ lúc kia vẫn còn những thầy thuốc chưa làm hết trách nhiệm của mình đối với BN, chưa thông cảm với nỗi đau của người bệnh, chưa coi trị bệnh cứu người là mục tiêu theo đuổi suốt đời. Tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế nhận phong bì của BN, từ nó nảy sinh sự đối xử thiếu công bằng giữa các BN đã bị công luận lên tiếng, nhưng đến nay, hiện tượng suy thoái đạo đức đó vẫn chưa được đẩy lùi triệt để.

Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do lương của bác sĩ thấp, không đủ sống, viện phí thấp... Một cán bộ y tế cho rằng vì cơ chế “hai giá”, chênh lệch lớn giữa chi phí khám bệnh Nhà nước và tư nhân khiến người dân sẵn sàng lót tay thêm để được phục vụ trước. Thậm chí, có người còn cho rằng chính BN và người nhà BN đưa phong bì làm hư bác sĩ, vì bác sĩ đâu có đòi hỏi. Thực ra, đó chỉ là những cách nói ngụy biện. Lý do quan trọng nhất là sự suy thoái về y đức, nằm trong sự suy thoái của đạo đức xã hội nói chung. Bởi, cho dù lương bác sĩ còn thấp cũng không thể chấp nhận việc họ nhận tiền riêng của BN, để từ đó có sự phân biệt đối xử, nhất là đối với BN nghèo. Điều đó hoàn toàn trái với lương tâm và y đức của người thầy thuốc. Một số bác sĩ, nhân viên y tế còn có thái độ đối xử thiếu lịch sự, thậm chí quát mắng BN, nhưng khi bị phê phán thì lại cho rằng do áp lực công việc.

Chúng ta không phủ nhận những đóng góp của ngành Y tế nói chung và các thầy thuốc nói riêng. Nhưng có một điều cần nhấn mạnh, đó là trong xã hội, nghề nào cũng cần có đức; riêng với nghề thầy thuốc, y đức luôn phải đặt lên hàng đầu.

NGỌC KHÁNH