Năm hết, Tết đến. Một trong những nỗi lo của người tiêu dùng là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Năm hết, Tết đến. Một trong những nỗi lo của người tiêu dùng là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).
Không lo sao được khi những ngày qua, hình ảnh lò giết mổ heo gây ô nhiễm môi trường ở xã Vĩnh Thái (Nha Trang) bị Cảnh sát môi trường xử phạt cứ mãi ám ảnh người tiêu dùng. Trên sàn nhà bẩn thỉu, chật chội, hàng đống thịt heo vứt lăn lóc, nước thải chảy lênh láng trong khi những người mổ heo chỉ mặc độc chiếc quần đùi, chân trần thản nhiên đi lại giữa những đống thịt. Trước đó, thông tin về vụ ngộ độc của 18 công nhân ở Khu công nghiệp Suối Dầu vì ăn miến gà giữa ca cũng khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng. Không lo sao được khi hàng ngày, hàng giờ biết bao tấn sản phẩm vẫn được sản xuất, chế biến và đưa ra thị trường trong khi theo đánh giá của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trong ngày đầu ra quân kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATTP trên địa bàn tỉnh: “Hầu hết các cơ sở chưa thực hiện xét nghiệm sản phẩm định kỳ, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã hết hạn...”. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để phân biệt được đâu là sản phẩm “sạch”, đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP, đâu là thực phẩm “bẩn”, có hại cho sức khỏe?
Theo các chuyên gia y tế, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng, mỗi người tiêu dùng cần có ý thức bảo vệ mình và gia đình bằng cách: Chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, bảo quản tốt thực phẩm; tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng. Đặc biệt, thực hiện đầy đủ 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an toàn: Chọn các thực phẩm tươi, sạch tự nhiên, không dập nát; thực hiện “ăn chín, uống sôi”; ngâm rửa sạch rau quả tươi nhất là các loại đồ dùng ăn sống; ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu xong; che đậy, bảo quản cẩn thận thức ăn đã được nấu chín; đun kỹ thức ăn đã qua bữa trước khi dùng lại; không để lẫn thức ăn sống và thức ăn chín, không dùng chung dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín; rửa tay trước khi chế biến thực phẩm; rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; giữ bếp, dụng cụ và nơi chế biến luôn sạch sẽ, gọn gàng và khô ráo; dùng nước sạch để chế biến thức ăn, đồ uống.
Tết Nguyên đán là ngày vui, ngày sum họp của mọi gia đình. Từ xa xưa, ông bà ta đã có câu “Đói ngày giỗ cha, no 3 ngày Tết”, chẳng thế mà năm nào cũng vậy, Tết đến là nhu cầu thực phẩm tăng đột biến. Nhà nào cũng mua thật nhiều thực phẩm để dự trữ trong mấy ngày Tết. Tết cũng là thời gian người ta chế biến hàng trăm món ăn đặc sản của nhiều vùng miền để dùng và mua bán. Các loại đồ ăn thức uống này, trong điều kiện thời tiết nóng ẩm ở nước ta rất dễ bị hư hỏng, nếu nguồn nguyên liệu bị ô nhiễm thì sẽ dễ dẫn đến nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Vì thế, để có một cái Tết an toàn, mỗi người hãy là người tiêu dùng thông minh, biết cách bảo vệ mình và gia đình trước những nỗi lo về ATTP.
Ngọc Khánh