10:01, 10/01/2013

Tăng dịch vụ

Năm 2012, theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, cơ cấu kinh tế Khánh Hòa được xác định: Công nghiệp, xây dựng chiếm 46,3%; dịch vụ, du lịch 41,6%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 12,1%.

Năm 2012, theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, cơ cấu kinh tế Khánh Hòa được xác định: Công nghiệp, xây dựng chiếm 46,3%; dịch vụ, du lịch 41,6%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 12,1%. Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2012, các ngành dịch vụ đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt tốc độ tăng tưởng cao, năm 2012 tăng 13,8% so với năm trước; hoạt động thương mại tăng 29,7%; doanh thu du lịch tăng 14,1%. Trong khi đó, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng 8,2%, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%.

Nhìn lại những năm trước, tính đến năm 2010, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, công nghiệp - xây dựng chiếm 43,5%, dịch vụ - du lịch chiếm 43,5% và nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13%. Từ cơ sở thực tiễn và tiềm năng, lợi thế sẵn có, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 xác định cơ cấu kinh tế tỉnh nhà sẽ chuyển dịch theo hướng dịch vụ, du lịch; công nghiệp, xây dựng; nông, lâm, thủy sản. Theo đó, tỷ trọng dịch vụ, du lịch và công nghiệp, xây dựng cùng chiếm 45,5% GDP; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 9% GDP.

Như vậy, có thể thấy tỷ trọng của dịch vụ và du lịch hiện nay trong cơ cấu kinh tế đã không bằng năm 2010 và cũng đã không tăng tương xứng so với các ngành khác theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 16 đề ra.

Ở đây, có một nguyên nhân khiến giá trị sản xuất dịch vụ, du lịch có phần giảm là do giá trị sản xuất một số ngành từ kinh tế dịch vụ đã được chuyển sang công nghiệp xây dựng, như hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải; xây dựng nhà ở hộ gia đình… Tuy nhiên, có thể thấy, tuy có mức tăng khá tốt, nhưng dịch vụ, du lịch vẫn chưa thể hiện thật tốt vai trò, vị trí của mình trong cơ cấu kinh tế. Cụ thể là con số tuyệt đối của giá trị dịch vụ, du lịch vẫn còn nhỏ hơn rất nhiều so với giá trị sản xuất ngành công nghiệp và xây dựng. Để cải thiện được vấn đề này, cần có cả một quá trình.

Thời gian qua, tỷ trọng dịch vụ, du lịch đang dần vươn lên trong cơ cấu kinh tế của Khánh Hòa. Một trong những yếu tố quan trọng làm nên điều ấy phải kể đến hoạt động chuyển tiếp xăng, dầu trên vịnh Vân Phong. Và đây chính là một trong những gợi ý bổ ích về câu chuyện phát triển bền vững ngành dịch vụ của Khánh Hòa.

Các ngành dịch vụ, với nhiều loại hình mới, tiếp tục phát triển; du lịch được đầu tư, đa đạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm... sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất dịch vụ, du lịch. Song, một khi, các vùng kinh tế động lực, có lợi thế đặc biệt về dịch vụ, du lịch chưa phát huy tốt vai trò đầu tàu, lôi kéo các vùng phụ cận cùng phát triển thì việc tăng nhanh gíá trị dịch vụ là rất khó khăn.

Cho nên, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thực hiện các dự án, các giải pháp phát triển du lịch ở thành phố Nha Trang, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong hai vùng trọng điểm gồm Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh và khu vực vịnh Vân Phong là vô cùng khẩn thiết, nhất là khi Bộ Chính trị đã đồng ý về chủ trương xây dựng Đặc khu kinh tế - hành chính Bắc Vân Phong.

PHONG NGUYÊN