09:01, 24/01/2013

Nhà sinh viên

Theo con số thống kê chưa thật đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tập trung ở TP. Nha Trang, có khoảng 70% sinh viên không có chỗ ở tại ký túc xá mà phải thuê nhà ở bên ngoài của các hộ dân.

Theo con số thống kê chưa thật đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tập trung ở TP. Nha Trang, có khoảng 70% sinh viên (SV) không có chỗ ở tại ký túc xá (KTX) mà phải thuê nhà ở bên ngoài của các hộ dân. Thuê như vậy, giá đắt, rất tốn kém đã đành, ở những khu nhà cho thuê, việc bảo đảm các yếu tố về điều kiện sống, an ninh trật tự là rất khó khăn.

Hiện nay, triển khai thực hiện chính sách nhà ở cho hộ nghèo, người có thu nhập thấp và nhà ở xã hội, trên địa bàn tỉnh có 3 dự án nhà ở cho SV đang được xây dựng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. 3 dự án này hoàn thành, đưa vào hoạt động sẽ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2.000 SV. Tuy nhiên, ngay cả khi các dự án này đi vào hoạt động cũng chưa thể đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở của SV các trường, đại học, cao đẳng trên địa bàn. Vì vậy, nhu cầu về chỗ ở của SV hiện nay là hết sức bức thiết.

Có thể thấy, tuy đã cố gắng, ngân sách Nhà nước không thể kham nổi việc đầu tư xây dựng các khu KTX, nhà ở cho SV; không thể đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở của SV. Và, như vậy, một số lượng lớn SV phải đi thuê ở ngoài, giá đắt. Dễ thấy, số SV được ở KTX của Nhà nước có mức chi phí thấp hơn rất nhiều so với SV đi thuê chỗ ở bên ngoài. Có nghĩa là số SV ở KTX đã được bao cấp một phần chi phí chỗ ở. Còn số SV thuê trọ ở ngoài phải chịu mức giá của thị trường. Cho nên SV thuê trọ ở ngoài phải chịu chi phí chỗ ở cao hơn là điều dễ hiểu.

Vì vậy, khi không có khả năng “bao” hết, Nhà nước chỉ nên đầu tư xây dựng KTX, chỗ ở cho một số đối tượng SV nhất định như SV thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách, miền núi, hải đảo… Phần còn lại là kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng chỗ ở cho SV thuộc các nhóm đối tượng khác.

Hiện nay, các khu vực xung quanh trường đại học, cao đẳng trên địa bàn có nhiều hộ gia đình tự bỏ tiền đầu tư xây nhà cho SV thuê. Vẫn biết SV là đối tượng khó khăn về tài chính nhưng chủ cho thuê nhà buộc vẫn phải lấy giá cao, do họ phải bỏ ra vốn lớn, phải chịu thuế; trả giá các dịch vụ sinh hoạt như điện, nước, điện thoại ở mức cao. Điều ấy khiến SV gặp nhiều khó khăn.

Xuất phát từ thực tế đó, có hai vấn đề được đặt là làm thế nào để có nhiều người cùng tham gia đầu tư xây dựng chỗ ở cho SV và làm thế nào để SV được thuê chỗ trọ không phải trả chi phí quá cao. Có lẽ, để tạo điều kiện thuận lợi hơn về chỗ ở cho SV, tỉnh nên nghiên cứu để có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể.

Trước hết, có thể hỗ trợ cho người đầu tư xây dựng chỗ ở cho SV bằng các chính sách miễn giảm thuế, giảm giá dịch vụ như điện, nước, điện thoại… Bởi có sự hỗ trợ ấy, chủ đầu tư mới có điều kiện hạ giá thành, giúp SV giảm bớt gánh nặng chi phí về chỗ ở. Tiếp đó, nghiên cứu chính sách hỗ trợ phù hợp cho số SV phải đi thuê chỗ trọ bên ngoài.

Làm được như vậy là góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

PHONG NGUYÊN