08:01, 07/01/2013

Chuyện thưởng Tết

Năm hết Tết đến, điều người lao động trông chờ nhất có lẽ là chuyện thưởng Tết. Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, chuyện thưởng Tết không hề giản đơn chút nào đối với các chủ doanh nghiệp.

Năm hết Tết đến, điều người lao động trông chờ nhất có lẽ là chuyện thưởng Tết. Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, chuyện thưởng Tết không hề giản đơn chút nào đối với các chủ doanh nghiệp (DN). Tuy tiền thưởng có khi không đáng là bao nhưng vẫn có tác động lớn đến người lao động. Năm nào cũng vậy, cuối năm, ai cũng chờ xem mình được thưởng bao nhiêu. Khi nhận tiền thưởng, cảm xúc được phân theo hai hướng: thỏa mãn, hài lòng hoặc bất mãn, đầy tâm trạng. Rõ ràng, tiền thưởng có tác động rất lớn trong việc động viên, khích lệ, nhưng cũng sẽ có tác dụng ngược lại nếu thiếu công bằng. Cho dù người lao động có kinh tế khá, thu nhập cao đi chăng nữa thì vẫn coi trọng đến vấn đề tiền thưởng, vì nó thể hiện sự đánh giá quá trình làm việc, phấn đấu suốt một năm của người lao động. Gắn liền với phần thưởng là vinh dự và sự tôn trọng.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Năm nay, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, DN có mức thưởng Tết cao nhất là Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods F17 với mức 86 triệu đồng/người, thấp nhất là Công ty TNHH 71 có mức thưởng 50 ngàn đồng/người. DN 100% vốn Nhà nước có mức thưởng cao nhất 48 triệu đồng/người, thấp nhất 200 ngàn đồng/người. DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, mức thưởng Tết dương lịch cao nhất 16 triệu đồng/người, thấp nhất 100 ngàn đồng/người và thưởng Tết âm lịch cao nhất 32 triệu đồng/người, thấp nhất 500 ngàn đồng/người. DN dân doanh có mức thưởng Tết dương lịch cao nhất 38 triệu đồng/người, thấp nhất 50 ngàn đồng/người và thưởng Tết âm lịch cao nhất 86 triệu đồng/người, thấp nhất 100 ngàn đồng/người. DN có vốn đầu tư nước ngoài thưởng Tết dương lịch cao nhất 23 triệu đồng/người, thấp nhất 100 ngàn đồng/người và thưởng Tết âm lịch cao nhất 54 triệu đồng/người, thấp nhất 250 ngàn đồng/người. Tuy nhiên, số người được nhận thưởng cao rất ít, chủ yếu là nhóm cán bộ lãnh đạo (chưa đến 1% tổng số lao động trong DN). Đó là chưa kể nhiều đơn vị không có tiền thưởng Tết, thậm chí vẫn còn nợ lương của công nhân.

Chuyện thưởng Tết không đồng đều khiến nhiều công nhân cảm thấy chạnh lòng. Chính vì mặt bằng tiền thưởng giữa lãnh đạo và công nhân chênh lệch quá cao nên người lao động cảm thấy mình không được tôn trọng... Trong sản xuất kinh doanh, việc thưởng - phạt qua hình thức thi đua cần phải nghiêm túc, công bằng mới tạo được sự nể phục của người lao động, tạo động lực để người lao động gắn bó với DN.

ANH TUẤN