09:12, 20/12/2012

Xuất siêu

Biện pháp thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã phát huy tốt tác dụng, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô. Song, nó mang lại hệ quả không mong muốn là nhu cầu cầu nội địa giảm mạnh; hàng tồn kho lớn; doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, sản xuất khó khăn.

Biện pháp thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã phát huy tốt tác dụng, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô. Song, nó mang lại hệ quả không mong muốn là nhu cầu cầu nội địa giảm mạnh; hàng tồn kho lớn; doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, sản xuất khó khăn.

Trong điều kiện đó, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2012, cả nước thực hiện xuất khẩu tăng 16,6%; nhập khẩu tăng 6,8%; nhập siêu khoảng 1 tỷ USD, bằng 0,9% kim ngạch xuất khẩu. Cán cân xuất nhập khẩu cả nước, như vậy là khá hài hòa.

Từ lâu Khánh Hòa mơ ước một con số: Xuất khẩu đạt ngưỡng 1 tỷ USD. Năm 2012, Khánh Hòa đã hiện thực hóa được ước mơ ấy: kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng tới 21,1% so với năm 2011 và vượt chỉ tiêu do HĐND tỉnh đặt ra là 950 triệu USD. Trong số này, công nghiệp đóng tàu có tỷ trọng khá lớn, tiếp theo đó là cà phê, hạt điều. Có thể nói, trong điều kiện kinh tế trong nước, thế giới đầy khó khăn bất trắc như hiện nay, đạt được mức xuất khẩu nói trên là một thành công lớn của tỉnh. Điều ấy cũng thể hiện rõ sự cố gắng của tỉnh trong việc phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình.

Năm 2012, giá trị kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 629 triệu USD, giảm 5,3% so với năm 2011 và chỉ nhỉnh hơn một chút so với chỉ tiêu HĐND tỉnh đặt ra là 610 triệu USD.

Về lý thuyết, như vậy là trong cán cân xuất nhập khẩu, Khánh Hòa đang ở trong tư thế xuất siêu; nôm na có thể hiểu là mức xuất khẩu lớn hơn mức nhập khẩu. Như vậy là nên mừng hay nên lo?

Kim ngạch nhập khẩu giảm là điều đáng mừng nếu trong cơ cấu hàng nhập, tỷ lệ hàng tiêu dùng chiếm ở mức cao. Có nghĩa là khi ấy nhu cầu sử dụng hàng nội địa cao, các doanh nghiệp sử dụng tốt nguồn nguyên vật liệu trong nước cho sản xuất.

Nhìn lại cơ cấu hàng nhập khẩu của Khánh Hòa, có thể thấy, hàng tiêu dùng chiếm tỷ trọng không lớn lắm, gồm các ngành hàng thuốc tân dược, trang thiết bị y tế, ô tô, xe máy, thực phẩm, lương thực… Chiếm tỷ trọng tuyệt đối lớn trong cơ cấu hàng nhập khẩu của Khánh Hòa vẫn là nguyên phụ liệu thuốc lá, máy móc thiết bị, thép đóng tàu… Mà, chúng ta đều biết rằng, sản xuất thuốc lá, đóng mới tàu biển là thế mạnh đặc biệt trong sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu của Khánh Hòa.

Trước mắt kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng. Song, nếu mức nhập khẩu nhóm hàng máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu tiếp tục giảm hoặc giảm mạnh sẽ là điều rất đáng lo ngại. Bởi, nguồn nguyên liệu dành cho sản xuất, như đã nói ở trên, trong nước chưa thể đáp ứng được. Doanh nghiệp giảm mức nhập khẩu như vậy có nghĩa là sự đầu tư cho tư liệu sản xuất giảm. Và, điều ấy sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng giá trị sản xuất cũng như kim ngạch xuất khẩu ở những năm sau.

Chính vì vậy, việc chú ý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách hiệu quả sẽ góp phần không chỉ tạo sự hài hòa trong cán cân xuất nhập khẩu mà còn nâng cao sức mạnh của nền kinh tế.

PHONG NGUYÊN