10:12, 13/12/2012

Xã hội hóa

Sự chuyển giao đội bóng Khatoco Khánh Hòa về Hải Phòng đang là câu chuyện được nhiều người quan tâm.

Sự chuyển giao đội bóng Khatoco Khánh Hòa (K.KH) về Hải Phòng đang là câu chuyện được nhiều người quan tâm.

Còn nhớ, cách đây 8 năm, Khatoco xắn tay áo, “gánh” đội bóng như là sự thể hiện trách nhiệm của một doanh nghiệp đối với bóng đá nói riêng, đối với thể thao tỉnh nhà nói chung. 8 năm, Khatoco đã cùng đội bóng đi qua bao nhiêu buồn vui, thăng trầm.

Số tiền hàng trăm tỷ đồng Khatoco rót cho bóng đá đã là lớn. Song, công sức, trí tuệ và cả tình cảm Khatoco dành cho đội bóng còn lớn hơn nhiều. Doanh nghiệp đã từng mất ăn, mất ngủ theo mỗi bước bóng lăn.

Bóng đã Khánh Hòa sẽ không còn nữa ư? Người dân, người hâm mộ bóng đá Khánh Hòa rồi sẽ ngẩn ngơ trước mỗi V-League, mỗi hạng Nhất, hạng Nhì… “Vua trụ hạng” một thời đầy khó khăn mà cũng đầy kỷ niệm đẹp giờ đã thành một quá vãng. Sân vận động 19-8 rồi đây sẽ thiếu vắng tiếng cười vỡ òa lẫn xuýt xoa trong những trận bóng.

Tâm trạng của người đi là bùi ngùi, nuối tiếc.

Nỗi lòng người ở lại còn bối rối khôn cùng.

Rồi đi đâu, về đâu?

Có người nói bóng đá Khánh Hòa chết non. Nói vậy nghe chua xót quá! Kỳ thực, nên coi đây là một bước chuyển giao, Khatoco không còn được giữ đội bóng, trong khi chưa tìm được doanh nghiệp nào đủ sức. Vẫn biết, đi tìm một doanh nghiệp có đủ tâm, đủ tầm như Khatoco đầu tư cho bóng đá là không dễ dàng. Nhưng bằng cách này hay cách khác, Khánh Hòa vẫn phải tìm ra giải pháp để duy trì một đội bóng đá mang tên Khánh Hòa.

Sự chuyển đổi đội bóng, cầu thủ trong bóng đá chuyên nghiệp là chuyện bình thường. Song, tâm tình những anh em cầu thủ là muốn được cống hiến cho quê hương Khánh Hòa.

Câu chuyện về đội bóng K.KH khiến bóng đá chuyên nghiệp nước nhà nhìn lại mình, ít nhất là trên phương diện người đỡ đầu. Cơ chế nào để các doanh nghiệp có thể thuận lợi hơn trong việc đầu tư cho bóng đá? Do tính chất đặc thù của mình, bóng đá luôn cần đầu tư về nhiều mặt, trong đó, quan trọng nhất là khâu tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Mà toàn bộ những công việc ấy, một mình Nhà nước làm không xuể. Vậy thì, xã hội hóa luôn vẫn là hướng tốt để đưa bóng đá Việt Nam phát triển bền vững.

Trở lại với bóng đá Khánh Hòa, việc thành lập một công ty cổ phần là cần thiết. Thực tế, UBND tỉnh đã rất cố gắng trong chỉ đạo thành lập công ty cổ phần bóng đá, nhưng kết quả chưa được như mong muốn.

Mong rằng, với sự quyết tâm của tỉnh, một ngày không xa, bóng đá Khánh Hòa sẽ trở lại; sân vận động 19-8 lại sáng đèn.

PHONG NGUYÊN