08:12, 03/12/2012

Rừng ngập mặn

Rừng ngập mặn là hệ sinh thái đa dạng, có vai trò quan trọng, được ví như lá chắn xanh bảo vệ vùng cửa sông, cửa biển để chống xói lở, hạn chế tác hại của gió bão, mở rộng đất liền.

Rừng ngập mặn (RNM) là hệ sinh thái đa dạng, có vai trò quan trọng, được ví như lá chắn xanh bảo vệ vùng cửa sông, cửa biển để chống xói lở, hạn chế tác hại của gió bão, mở rộng đất liền.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, đa số RNM ven biển của Khánh Hòa đã bị tàn phá. Trước năm 1975, toàn tỉnh có khoảng 3.000ha RNM, nhưng từ khi nghề nuôi trồng thủy sản phát triển, cây ngập mặn đã bị người dân phá bỏ để lấy đất nuôi tôm. Theo các nhà khoa học, diện tích RNM ở Khánh Hòa hiện chỉ còn chưa đầy 50ha, nằm rải rác ở một số địa phương như Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh.

Trước thực trạng trên, từ năm 2006, được sự tài trợ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Rufford Small Grant (Anh), Viện Hải dương học Nha Trang đã phối hợp với chính quyền địa phương và cộng đồng thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh phục hồi được 4ha RNM. Mục tiêu của dự án là nhằm khôi phục môi trường sinh thái, tạo cơ sở khoa học và thực tiễn để mở rộng diện tích RNM ra diện rộng. Tuy nhiên, việc triển khai dự án không đơn giản bởi đất trồng cây ngập mặn trước đây nay không chấp nhận cây ngập mặn; tỉ lệ cây sống chỉ đạt 10 - 20%. Cuối năm 2009, Viện Hải dương học tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Trường Đại học Nha Trang và cộng đồng thôn Mỹ Thanh, xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh phục hồi khoảng 10ha rừng ngập mặn. Sau 3 lần thực hiện, đến tháng 10-2012, diện tích RNM phục hồi tại Cam Thịnh Đông chỉ còn khoảng 4ha với tỷ lệ cây sống 50 - 60%.

Tuy rất khó khăn trong việc trồng lại RNM nhưng các nhà khoa học biển vẫn quyết tâm theo đuổi mục đích bởi theo họ, RNM, các vỉa san hô và cỏ biển nếu còn nguyên vẹn có thể làm giảm nhẹ các đợt sóng thần cao 15m. Để RNM ở Khánh Hòa được phục hồi, theo các nhà khoa học, cần thực hiện 3 giải pháp chính. Một là nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích, vai trò của RNM, những tác hại to lớn đối với kinh tế và đời sống nếu thiếu RNM. Hai là phải rà soát lại quy hoạch phát triển thủy sản ven biển, điều chỉnh theo hướng ưu tiên bảo tồn RNM hiện có, phục hồi RNM bị suy thoái và thậm chí hoàn nguyên một số khu RNM đã sử dụng thiếu hợp lý. Bên cạnh đó, cần xây dựng thể chế liên ngành để quản lý tổng hợp số diện tích RNM còn sót lại và tái tạo diện tích rừng trồng trên cơ sở bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế với an sinh xã hội và môi trường sinh thái, kết hợp chặt chẽ giữa nuôi trồng thủy sản với phát triển RNM để phát triển du lịch sinh thái.

NGỌC KHÁNH