Tại một hội thảo khoa học do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây, Tiến sĩ, Đại tá Lê Huy Tân có nêu một luận đề về Văn hóa Trường Sa - Văn hóa chủ quyền dân tộc Việt Nam.
Tại một hội thảo khoa học do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây, Tiến sĩ, Đại tá Lê Huy Tân có nêu một luận đề về Văn hóa Trường Sa - Văn hóa chủ quyền dân tộc Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Lê Huy Tân, môi trường văn hóa ở Trường Sa có một số đặc trưng cơ bản, như: Mang đậm sắc thái văn hóa chính trị - văn hóa chủ quyền ở địa bàn chiến lược và nhạy cảm; có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt; còn thiếu vắng nhiều quan hệ xã hội cơ bản; đa dạng về loại hình đảo và tổ chức cộng đồng dân cư…
Có thể thấy, “văn hóa chủ quyền” là một khái niệm thú vị. Và, việc đặt vấn đề như vậy sẽ mở ra hướng nghiên cứu chuyên sâu về bản sắc văn hóa Trường Sa, gắn phát triển văn hóa Trường Sa với công cuộc xây dựng, bảo vệ chủ quyền Trường Sa.
Chúng ta, ai cũng biết, văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra; là động lực, cũng là mục tiêu của cuộc sống con người.
Vậy thì, văn hóa Trường Sa chính là những giá trị vật chất và tinh thần do con người Trường Sa tạo ra. Những giá trị ấy gắn chặt với cuộc sống thường nhật của con người Trường Sa, từ những câu chuyện về lao động sản xuất, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, học tập, nghiên cứu… cho tới những nét riêng trong ẩm thực, tín ngưỡng, giao tiếp… Nhìn sâu hơn một chút, sẽ thấy rằng, những giá trị ấy, không gì khác, chính là bản sắc văn hóa Việt Nam, được thể hiện trên địa bàn Trường Sa, bởi chính những con người Việt Nam.
Có thể lấy ví dụ, đến đảo Trường Sa, đi đâu, khách cũng được người dân, kể các các em bé, rồi cán bộ chiến sĩ chào hỏi niềm nở, ân cần như người nhà. Hoặc, trên các đảo, người dân, cán bộ, chiến sĩ sống trong điều kiện thiếu nước ngọt. Hoặc, các chuyến tàu ra quần đảo Trường Sa luôn có chương trình tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. Trong điều kiện sống khó khăn, khắc nghiệt, luôn phải đương đầu với thử thách, con người ở Trường Sa vừa phải luôn cứng rắn trước hoàn cảnh nhưng lại rất đỗi chân thành với nhau trong cuộc sống. Những thể hiện nói trên góp phần làm nên giá trị cuộc sống Trường Sa, văn hóa Trường Sa.
Con người Trường Sa làm nên những giá trị ấy. Và, đến lượt mình, những giá trị ấy thắp sáng trong mỗi con người Trường Sa, hun đúc thêm bản lĩnh của những công dân nơi biên thùy, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ một vùng đất, một núm ruột thiêng liêng của Tổ quốc mình.
Ngoài ra, việc nghiên cứu, tìm hiểu bản sắc văn hóa Trường Sa còn có ý nghĩa tạo nền cơ sở vững chắc trong xác định, định hướng xây dựng một nền văn hóa mới ở Trường Sa, đậm đà bản sắc dân tộc.
PHONG NGUYÊN