Trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII vừa qua, có một chi tiết được nhiều tầng lớp cử tri quan tâm. Đó là khái niệm “văn hóa từ chức” lần đầu tiên được đưa ra nghị trường.
Trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII vừa qua, có một chi tiết được nhiều tầng lớp cử tri quan tâm. Đó là khái niệm “văn hóa từ chức” lần đầu tiên được đưa ra nghị trường.
“Từ chức”, lâu nay vẫn được hiểu là trường hợp cán bộ lãnh đạo tự nhận thấy hạn chế về năng lực, sức khỏe… không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình thì tự xin thôi, không giữ chức vụ ấy nữa.
“Từ chức”, do cán bộ chủ động, tự nguyện; và thường là người đứng đầu.
Chúng ta, ai cũng biết, vai trò của người đứng đầu trong mỗi cơ quan, tổ chức là vô cùng quan trọng. Bởi họ có trách nhiệm quyết định các công việc và lãnh đạo, tổ chức thực hiện thành công các công việc ấy. Không chỉ vậy, nhân cách của người đứng đầu có ảnh hưởng rất lớn đến phong cách sinh hoạt, làm việc của mỗi cơ quan, tổ chức.
Thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu hiện đã có quy định. Tuy nhiên, có một thực tế là do hệ thống quy chế cũng như chế tài kiểm tra chưa thật đầy đủ nên khi cán bộ, đảng viên mắc sai sót rất khó quy trách nhiệm. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, còn gọi là thủ trưởng, cạnh đó, ban hành quy chế, chế tài kiểm tra việc thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu ở các ngành, các cấp. Đây được coi là một bước chuyển quan trọng, nhằm phát huy tối đa những phẩm chất vượt trội của người đứng đầu về trình độ; bản lĩnh; tính kỷ luật; gương mẫu trong lối sống, công việc…
Trong đợt sinh hoạt chính trị kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4, cũng như trên diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, vị trí, vai trò của người đứng đầu được quan tâm sâu sắc.
Còn nhớ, tại phiên khai mạc kỳ họp này, báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2012 của Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận: Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chính là khâu xử lý vi phạm, đặc biệt là người đứng đầu, chưa thật nghiêm, thật nặng, chưa đúng người, đúng tội nên chưa đủ sức răn đe. Ví dụ này cho thấy rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu trong một cơ quan, tổ chức.
Hiện nay, pháp luật của chúng ta chưa có quy định cụ thể về việc cán bộ lãnh đạo tự nhận thấy mình không thể đảm đương được nhiệm vụ nữa thì xin từ chức. Có lẽ, chính vì vậy mà trong đội ngũ cán bộ, công chức, khái niệm từ chức, “văn hóa từ chức” hãy còn khá xa lạ; cũng có thể nói cách khác là vẫn nghĩ dường như nó không dành cho… mình.
Vậy thì, bên cạnh các quy chế về thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm…, chúng ta có cần phải xây dựng thêm các quy chế từ chức hay không, để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ được từ chức?
Ở trên đã nói, vị trí, vai trò của người đứng đầu là vô cùng quan trọng. Do vậy, việc xây dựng, hình thành “văn hóa từ chức”, như đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nêu, cũng trở nên quan trọng vô cùng.
PHONG NGUYÊN