Thời gian qua, những thông tin như: Trái cây có chứa hóa chất bảo quản, rau có dư lượng thuốc trừ sâu, ô mai xí muội chứa chất phụ gia cấm, thịt gia súc gia cầm chứa thuốc tăng trọng, áo ngực Trung Quốc chứa chất lạ gây ngứa… đã khiến người tiêu dùng hết sức hoang mang, lo lắng.
Thời gian qua, những thông tin như: Trái cây có chứa hóa chất bảo quản, rau có dư lượng thuốc trừ sâu, ô mai xí muội chứa chất phụ gia cấm, thịt gia súc gia cầm chứa thuốc tăng trọng, áo ngực Trung Quốc chứa chất lạ gây ngứa… đã khiến người tiêu dùng (NTD) hết sức hoang mang, lo lắng. Tuy các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc để xử lý những sản phẩm không đạt chất lượng đó, nhưng tất cả chỉ như muối bỏ bể, trong khi quyền lợi, sức khỏe của NTD bị ảnh hưởng thì không ai chịu trách nhiệm.
Phân tích nguyên nhân vì sao hàng hóa kém chất lượng vẫn có cơ hội tồn tại, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD cho rằng, do đa số NTD hiện nay có thu nhập thấp nên khi sử dụng hàng hóa, họ thường quan tâm đến giá cả, thích những mặt hàng giá rẻ trước khi để ý đến chất lượng. Nhiều người có thói quen sử dụng những sản phẩm có màu sắc bắt mắt. Vì vậy, trong quá trình sản xuất, các nhà sản xuất thường sử dụng nhiều phẩm màu để sản phẩm đẹp hơn, thu hút sự quan tâm của người mua. Bên cạnh đó, nhiều NTD còn thiếu kiến thức và thông tin nên hàng hóa kém chất lượng vẫn có đất để tồn tại.
Với cách phân tích như trên, có thể thấy để hàng hóa kém chất lượng có cơ hội tồn tại, một phần lỗi thuộc về NTD. Vì thế, chuyên gia này khuyến cáo NTD cần biết cách tự bảo vệ mình. Khi mua sản phẩm, phải lựa chọn một cách thận trọng và khôn ngoan, phải xem rõ sản phẩm đó chứa những chất gì, nguồn gốc ra sao, thời gian sử dụng thế nào…Khi phát hiện thị trường có sản phẩm kém chất lượng, cần báo ngay cho cơ quan chức năng biết để kiểm tra, xử lý.
Về phía cơ quan chức năng, ngay sau khi một số thông tin tiêu cực về thị trường được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, các cơ quan đã nhanh chóng vào cuộc. Tuy nhiên, một thực tế đáng quan tâm là những cơ quan có chức năng kiểm tra, thu giữ và xử phạt hành chính như cơ quan quản lý thị trường lại không đủ điều kiện để thực hiện những xét nghiệm chuyên sâu về chất lượng. Trong khi những đơn vị chuyên môn như Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Chi cục Bảo vệ thực vật… lại chỉ có thể lấy mẫu xét nghiệm định kỳ 2 - 3 lần/năm do khó khăn về nhân lực và kinh phí. Trong khi đó, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường quá lớn. Chế tài xử phạt hành chính với các đối tượng vi phạm cũng chưa thật sự mang tính răn đe nên không ít điểm kinh doanh vẫn nhập các mặt hàng kém chất lượng về bán cho NTD.
“Hãy là NTD thông minh”, đây là lời khuyên của các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, trong cuộc chiến chống lại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, sự thận trọng và khôn ngoan của NTD chưa đủ. Chúng ta đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng nhằm giám sát chặt chẽ các sản phẩm hàng hóa ngay từ khâu sản xuất, nhập khẩu, cấp phép đến phân phối. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chế tài xử phạt mạnh đối với các trường hợp vi phạm. Có như vậy mới có thể hạn chế đến mức thấp nhất những sản phẩm có hại cho sức khỏe NTD.
NGỌC KHÁNH