Trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn nhận lỗi về những thiếu sót, khuyết điểm của Chính phủ.
Trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn nhận lỗi về những thiếu sót, khuyết điểm của Chính phủ.
Tại Hội nghị lần thứ 6, khóa XI, vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, yếu kém trong thời gian qua và thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân.
Trước đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã nghiêm túc tự phê bình và nhận lỗi trước Ban Chấp hành Trung ương, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng; về những suy thoái, hư hỏng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết
Trung ương 4 đã nêu. Không chỉ vậy, tập thể Bộ Chính trị còn tự giác xin nhận kỷ luật.
Các tầng lớp nhân dân trong nước đã có sự chia sẻ sâu sắc trước những việc làm ấy. Bởi, nó đã thể hiện tinh thần thẳng thắn, cầu thị, nghiêm túc, gương mẫu và quyết tâm cao của Đảng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ở đây, có thể thấy, những cá nhân, tập thể; người đứng đầu tổ chức, đơn vị đã dũng cảm chỉ ra những khiếm khuyết của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Một trong những khiếm khuyết ấy là chưa ngăn chặn, khắc phục được tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phai nhạt lý tưởng; sa vào chủ nghĩa cá nhân; thực dụng; tham nhũng lãng phí… làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước; làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Giải pháp cho vấn đề này là gì? Có lẽ không có gì khác ngoài việc tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, dân chủ, thẳng thắn tự phê bình và phê bình. Song, chỉ như vậy là chưa đủ. Sự kiểm điểm, phê bình còn phải được giám sát một cách chặt chẽ, thông qua nhiều kênh, nhiều tổ chức đại diện cho dân. Phải nhìn nhận cho được những yếu kém, khuyết điểm của chính mình, nhất là những người đứng đầu, những người có vị trí quan trọng trong mỗi tổ chức, đơn vị. Cấp trên làm nghiêm, nêu gương cho cấp dưới. Tiếp đến, phải bảo đảm càng xuống cấp dưới càng phải sâu sát, chặt chẽ.
Quyền lực, danh lợi luôn là những cái bẫy cực kỳ nguy hiểm đối với từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đang ở vị trí lãnh đạo. Biết được điều ấy, chúng ta phải xây dựng cho được cơ chế, chính sách đồng bộ để giám sát, ngăn ngừa. Và, về phía mình, từng cán bộ, đảng viên cần hết sức nêu cao tinh thần tự giác, tự trọng của chính mình để trau dồi, rèn luyện.
Biết lỗi, nhận lỗi là một bước tiến lớn trong nhận thức về trách nhiệm của của mỗi cá nhân, tổ chức. Càng nhận rõ lỗi bao nhiêu, việc sửa lỗi sẽ có kết quả tốt bấy nhiêu.
Và, mức độ chân thành trong nhận lỗi sẽ được thể hiện một cách cụ thể, sinh động qua các phương cách sửa lỗi.
PHONG NGUYÊN