05:10, 08/10/2012

Ngộ độc, và...

Vừa qua, nhân dịp Tết Trung thu, các lực lượng liên ngành của tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm. Tuy mức độ vi phạm chưa nghiêm trọng nhưng vẫn cần được uốn nắn, ngăn ngừa thường xuyên.

Vừa qua, nhân dịp Tết Trung thu, các lực lượng liên ngành của tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm. Tuy mức độ vi phạm chưa nghiêm trọng nhưng vẫn cần được uốn nắn, ngăn ngừa thường xuyên.

Hiện nay, ở những nơi tập trung nhiều công nhân, sinh viên, học sinh thường bày bán những bữa ăn giá rẻ, có khi chưa tới 10 nghìn đồng/suất. Với mức giá này, cơ cấu bữa ăn khó mà bảo đảm dinh dưỡng cho cơ thể. Mặt khác, suất ăn rẻ nên thực phẩm không đạt yêu cầu là điều dễ hiểu. Đây chính là mầm mống của những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, của sự bào mòn sức khỏe người lao động.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) không muốn tổ chức bếp ăn ngay tại DN mình, bởi tốn kém, mất thời gian, công sức, và lỡ có sơ suất, nhất là xảy ra ngộ độc tập thể, sẽ rất phiền hà.

Vì thế, chất lượng bữa ăn của công nhân, học sinh, sinh viên… hiện vẫn đang trông chờ vào cái tâm của cơ sở kinh doanh và của chính người bán hàng. Do đó, các ngành chức năng như Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công đoàn… rất cần phối hợp xây dựng quy định ATVSTP tại các khu công nghiệp, các nhà ăn sinh viên, học sinh, trong đó quy định chặt chẽ về khẩu phần ăn.

Nhìn rộng ra, gần đây, nhiều người dân trong cả nước rất lo lắng trước hàng loạt thông tin không tốt về chất lượng ATVSTP. Nước ta hiện có gần 10 triệu hộ nông dân tự chế biến nông sản, thực phẩm cung cấp cho gia đình và xã hội; có khoảng hơn 500 nghìn cơ sở sản xuất thực phẩm, trong đó tới trên 75% là DN vừa và nhỏ. Có người làm ruộng bảo: “Lứa lúa này phải xịt thuốc sâu nhiều quá, cho nên em đem bán, không để ăn được”. Vậy ai sẽ gánh chịu lượng thuốc sâu quá lớn trong những hạt gạo này?

Vẫn biết chúng ta đã có nhiều cố gắng và thu được nhiều kết quả quan trọng trong công tác ATVSTP, tuy nhiên, chúng ta vẫn cần tổ chức tốt hơn, chặt chẽ hơn. Cụ thể như xây dựng những quy định cụ thể về chất lượng thực phẩm; trách nhiệm của người sản xuất, người bán thực phẩm; công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng được thực hiện thường xuyên, liên tục, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm...

“Hãy làm người tiêu dùng thông thái”, “Mua thực phẩm có địa chỉ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”… luôn là những khuyến cáo bổ ích. Tuy nhiên, nếu công tác quản lý ATVSTP chưa thật tốt thì dẫu muốn thông thái, dẫu có lựa chọn kỹ lưỡng đến đâu, “họa tòng khẩu nhập” vẫn khôn lường.

PHONG NGUYÊN