Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc thực hiện những biện pháp hỗ trợ để kích thích doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh là việc làm rất cần thiết.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc thực hiện những biện pháp hỗ trợ để kích thích doanh nghiệp (DN) duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh là việc làm rất cần thiết.
Thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thời gian qua, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ xuống tối đa 15%/năm. Trong đó, lãi suất giảm mạnh nhất ở 4 chi nhánh NHTM Nhà nước với tỉ trọng dư nợ cho vay có mức lãi suất trên 15%/năm hiện chỉ còn 4,6%. Các NHTM cũng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 48 DN. Doanh số cho vay đối với các DN trên địa bàn tháng 9 đạt 2.557 tỷ đồng, tăng 240 tỷ đồng so với tháng trước. Doanh số cho vay của các tổ chức tín dụng đối với các DN trên địa bàn tăng trở lại sau 4 tháng liên tục giảm cho thấy, việc các tổ chức tín dụng triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất thấp bắt đầu có tác dụng tích cực, khuyến khích DN vay vốn sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, lượng tiền gửi tại các NHTM tăng trưởng liên tục qua các tháng (tăng 31,3% so với đầu năm) cũng cho thấy hiện nay, lãi suất cho vay và nguồn vốn vay không còn là khó khăn đối với DN. Trong bối cảnh đó, sức hấp thụ vốn của DN phụ thuộc nhiều vào các giải pháp đồng bộ của Chính phủ. Và, chính sách miễn, giảm, hoãn các khoản thuế phải nộp của Chính phủ là một giải pháp gỡ rối cho DN.
Chủ một DN hoạt động trong lĩnh vực cung ứng suất ăn ca cho công nhân ở Cam Lâm cho biết, hiện đơn vị có khoảng 14 nhân công làm việc. Thời gian qua, do tác động của thị trường, nhiều loại hàng hóa, thực phẩm liên tục tăng giá, chi phí vận chuyển tăng theo giá xăng dầu đã khiến DN gặp không ít khó khăn do đầu vào tăng cao trong khi đầu ra không tăng (từ năm 2010 đến nay, DN vẫn phải giữ mức giá cung ứng suất ăn là 12.000 đồng/suất theo yêu cầu của khách hàng).
Trước những khó khăn mà DN đang gặp phải, Chính phủ đã thực hiện chính sách miễn, giảm và hoãn các khoản thuế cho DN. Theo đó, những DN vừa và nhỏ đáp ứng các tiêu chí về vốn hoặc về số lượng lao động như quy định, DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến sẽ được giảm 30% số thuế thu nhập DN năm 2012; hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê được miễn thuế khoán; DN cung ứng suất ăn ca cho công nhân (không bao gồm hoạt động cung ứng suất ăn cho DN vận tải, hàng không và hoạt động kinh doanh khác) được miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN phải nộp phát sinh trong năm nay. Chính sách này, cộng với biện pháp hỗ trợ khác như giảm lãi suất cho vay đã tác động mạnh đến DN không chỉ về ý nghĩa kinh tế mà còn khích lệ tinh thần kinh doanh, tạo niềm tin cho DN vào các chính sách của Chính phủ.
Theo Hiệp hội DN vừa và nhỏ Khánh Hòa, trong số 7.000 DN vừa và nhỏ đóng trên địa bàn tỉnh thì 5,2% DN đã phải đóng cửa, trên 70% DN rơi vào tình trạng sản xuất kém hoặc không đủ vốn để duy trì hoạt động sản xuất, chỉ có khoảng 15% DN có cơ hội vượt qua khủng hoảng. Chính vì vậy, việc hỗ trợ DN bằng các chính sách hạ lãi suất, miễn, giảm thuế là giải pháp toàn diện cần được triển khai đồng bộ và triệt để. Có như vậy mới hy vọng sẽ tạo được hiệu ứng tích cực trong sản xuất kinh doanh của DN.
NGỌC KHÁNH