12:09, 21/09/2012

Sách cần đọc

Đó là cuốn Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông do TS. Trần Công Trục - Nguyên Trưởng ban, Ban Biên giới của Chính phủ làm chủ biên. Mới ra mắt khoảng 1 tháng, cuốn sách đã được NXB Thông tin và Truyền thông tái bản lần thứ 2, và được bạn đọc đón nhận nhiệt tình.

Đó là cuốn Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông do TS. Trần Công Trục - Nguyên Trưởng ban, Ban Biên giới của Chính phủ làm chủ biên. Mới ra mắt khoảng 1 tháng, cuốn sách đã được NXB Thông tin và Truyền thông tái bản lần thứ 2, và được bạn đọc đón nhận nhiệt tình.

Sách có 4 chương; lần lượt giới thiệu vị trí, vai trò của biển, đảo Việt Nam đối với nền kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước; đưa ra các cơ sở pháp lý vững chắc để xác định các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, đặc biệt là phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán của Việt Nam trong phạm vi lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế theo công ước quốc tế; tóm lược quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời nêu thực trạng và giải pháp các vấn đề về biển Đông.

Có thể nói, Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông là tài liệu có cơ sở khá vững chắc phục vụ đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Nhiều bạn đọc mong muốn cuốn sách này được dịch ra tiếng Trung, tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác để cộng đồng quốc tế thấy rõ hơn chính nghĩa của Việt Nam ở Biển Đông.

Cuốn sách nêu những chứng cứ hùng hồn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như các chi tiết về Hải đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải; lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa cũng như việc sau khi Hiệp ước Patenôtre giữa Việt Nam và Pháp được ký kết, với tư cách là đại diện ngoại giao cho Việt Nam, Pháp đã gửi thông báo ngoại giao cho các cường quốc về việc Pháp đã chiếm đóng quần đảo Trường Sa, tiếp đó là phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa… Cạnh đó, sách cũng chỉ ra những tham vọng của Trung Quốc về biển Đông thể hiện qua Chiến lược biển, yêu sách “đường lưỡi bò” cũng như việc lờ tịt đi tài liệu khẳng định lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến Hải Nam.

Trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình, ngày 23-6-1994, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, trong đó có đoạn ghi: “Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các vấn đề tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các hành động khác có liên quan về Biển Đông thông qua luật pháp quốc tế”.

Ngọn cờ chính nghĩa của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, thông qua cuốn sách, được thể hiện rất đã rõ ràng.

Mong rằng, bằng các hình thức khác nhau, cuốn sách được đến tay nhiều người đọc hơn, để “dân ta phải biết sử ta”, có nhận thức tốt hơn, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

PHONG NGUYÊN