Giá xăng tăng liên tục 4 lần chỉ trong vòng 1 tháng, từ 20.400 đồng/lít lên 24.120 đồng/lít (A92). Tính từ đầu năm đến nay, xăng dầu 6 lần tăng giá. Vũ điệu tăng giá mà giảm nhỏ giọt của mặt hàng chiến lược này khiến doanh nghiệp và người dân đã vất vả càng thêm chật vật.
Giá xăng tăng liên tục 4 lần chỉ trong vòng 1 tháng, từ 20.400 đồng/lít lên 24.120 đồng/lít (A92). Tính từ đầu năm đến nay, xăng dầu 6 lần tăng giá. Vũ điệu tăng giá mà giảm nhỏ giọt của mặt hàng chiến lược này khiến doanh nghiệp và người dân đã vất vả càng thêm chật vật.
Còn nhớ, cách đây 1 năm, khi nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã tuyên bố ưu tiên số 1 là kiểm soát giá cả, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và doanh nghiệp như xăng dầu, điện… Ngay sau đó, tháng 9-2011, tại hội thảo điều hành cơ chế xăng dầu, ông đã chỉ ra tình trạng các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối báo lỗ giả để hưởng lợi. Chắc chưa ai quên câu nói nổi tiếng của Bộ trưởng: “Chúng tôi điều hành xăng dầu không phải vì quyền lợi của 11 doanh nghiệp mà vì quyền lợi của hơn 80 triệu dân…”. Khi đó, ai cũng cảm thấy an lòng trước sự quyết liệt của Bộ trưởng.
Tiếc rằng, sự quyết liệt này đang có vẻ nguội dần. Qua báo chí, doanh nghiệp xăng dầu luôn kêu lỗ. Chưa nghe Nhà nước kiểm toán xem lỗ ra sao. Người dân chỉ biết gồng mình chịu đựng và mơ ước con em mình có được một chân làm trong ngành xăng dầu hay điện để cùng chia sẻ… lỗ với doanh nghiệp(!)
Có một thống kê khiến người ta không khỏi ngậm ngùi. Trong vòng hơn 5 năm, từ 2007 - 2012, điện tăng giá 63%, gas tăng 72%; còn giá xăng dầu, kể từ tháng 6-2012, khi Chính phủ cho phép các doanh nghiệp đầu mối được tự điều chỉnh, bám sát thị trường theo Nghị định số 84 thì người dân cùng doanh nghiệp đã được nếm mùi tháng qua(!)
Người dân không cần biết tốc độ tăng trưởng GDP là bao nhiêu, các giải pháp kiềm chế lạm phát vĩ mô ra sao… Họ chỉ quan tâm hôm nay 1 lít xăng tăng thêm bao nhiêu tiền, bình gas tăng thêm mấy chục ngàn, điện khi nào tăng giá… Bởi mỗi khi mặt hàng chiến lược tăng giá là một lần túi tiền lại vơi đi một chút.
Theo dõi qua báo chí, các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần chỉ ra những bất cập trong chính sách, biện pháp điều hành giá. Cội nguồn của nó chính là việc để một số doanh nghiệp “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Doanh nghiệp luôn kêu lỗ để tăng giá, nhưng người dân không thể biết lỗ do đâu, do bộ máy cồng kềnh hay do quản lý kém, do thất thoát, do chi hoa hồng cho đại lý quá nhiều… Điều duy nhất mà họ biết là nai lưng ra chịu đựng. Thiết nghĩ, cơ chế điều hành, quản lý giá là do con người lập nên, đâu phải từ trên trời rơi xuống, để rồi cơ quan quản lý cứ đổ lỗi vướng cơ chế?
Chợt nghĩ đến cái điện thoại di động. Cách đây hơn chục năm, chỉ doanh nhân có máu mặt hoặc thủ trưởng cơ quan Nhà nước mới dám sắm, bởi cước gọi 1 phút bằng giá cả tô phở. Nhưng chỉ trong vòng mấy năm, từ khi Nhà nước cho các doanh nghiệp cạnh tranh phát triển, đến nay, bà nội trợ cũng có trong túi cái alo, tha hồ tám chuyện…
Nhớ hoài lời tuyên bố của Bộ trưởng ngày nhậm chức.
THỦY NGÂN