23:49, 18/11/2024

“Tôn sư trọng đạo”, truyền thống tốt đẹp của dân tộc

MAI VĂN ĐÔNG

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam tự hào đã sáng tạo và xây đắp nên một nền văn hóa đặc sắc, một trong những nét văn hóa tiêu biểu đó là truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Truyền thống ấy vừa tôn vinh người thầy, vừa nhắc nhở con người phải biết sống sao cho phải đạo làm người. “Không thầy đố mày làm nên”, vì thế vị trí của người thầy được đặt ngang hàng với vị trí của cha mẹ “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Cũng chính vì ý thức về tầm quan trọng của việc người học phải kính trọng thầy và đặt đạo nghĩa làm đầu mà nhân dân ta mới quan niệm: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy).

Lần giở những trang sách xưa, chúng ta bắt gặp hình ảnh người vợ, người mẹ tảo tần sớm hôm lo cho chồng, con “dùi mài kinh sử” hay những lớp học với hình ảnh ông đồ ngồi dạy học rèn luyện học trò nghiêm cẩn, chỉ bảo tận tình cho học trò thành danh. Đã có những người thầy đáng kính được lưu danh muôn đời, đó là người thầy “vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời) Chu Văn An. Ông đã từng tâu với vua Trần Minh Tông rằng: “Thần chưa thấy nước nào không coi trọng sự học mà có thể tiến lên được”. Hay như cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, người vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân và các bậc thầy cao quý như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh, Nguyễn Lân... Mỗi thầy mỗi hoàn cảnh nhưng tất cả đều rất yêu nghề và hết lòng vì học sinh thân yêu.

Học viên phi công quân sự và học viên cao đẳng kỹ thuật hàng không Trường Sĩ quan không quân chúc mừng thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Học viên phi công quân sự và học viên cao đẳng kỹ thuật hàng không Trường Sĩ quan Không quân chúc mừng thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Trong xã hội hiện đại, vai trò của người thầy đã có ít nhiều thay đổi, họ trở thành người dẫn dắt cho học sinh tiếp cận tri thức. Nhưng không vì thế mà vị thế của người thầy thay đổi. Chỉ khi chúng ta biết tôn trọng những người dạy dỗ mình thì mới phát triển hoàn thiện về nhân cách. Chúng ta từng thấy tấm gương lớn về tinh thần “tôn sư trọng đạo” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng, nhà lãnh đạo kiệt xuất của dân tộc, hằng ngày bận trăm công nghìn việc nhưng cố Tổng Bí thư vẫn viết thư tay thăm hỏi, chúc mừng cô giáo cũ mỗi dịp lễ, Tết hay dành thời gian về thăm trường cũ và vẫn khiêm nhường nhận mình chỉ là cậu học trò nhỏ năm xưa.

Những năm gần đây, không ít hiện tượng tiêu cực trong môi trường học đường gây dư luận không tốt, như học sinh có thái độ vô lễ với thầy cô hay thầy cô hành xử không đúng mực, một số phụ huynh có hành vi xúc phạm danh dự của nhà giáo, uy tín của nhà trường. Để giải quyết thực trạng này cần có sự phối hợp chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó chủ thể chính vẫn là thầy, trò, mà yếu tố quan trọng nhất vẫn là giáo dục đạo đức, nhân cách.

Có thể nói, dù ở thời đại nào thì truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn cần được giữ gìn và phát huy. Thầy cô không chỉ là người truyền dạy kiến thức mà còn là người bồi đắp cho tâm hồn chúng ta thêm phong phú, tốt đẹp để mỗi người phát triển hơn về năng lực, giàu có hơn về nhân cách, giúp ích cho xã hội. Trong công cuộc hội nhập ngày nay và với yêu cầu của thời đại tri thức, truyền thống “tôn sư trọng đạo” càng được đề cao. Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng giáo dục đào tạo và trọng dụng nhân tài; giáo dục đang trở thành quốc sách hàng đầu để ổn định xã hội và phát triển đất nước, đồng thời giữ vững độc lập, chủ quyền để vững tin trên con đường hội nhập.

MAI VĂN ĐÔNG