Gần đây, châu Âu đã ban hành các chính sách bắt buộc hàng hóa bán vào thị trường này phải đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững. Tương tự, các nước như Mỹ, Nhật Bản cũng đưa ra các rào cản kỹ thuật, yêu cầu hàng hóa nhập khẩu phải thân thiện với môi trường, sản xuất theo quy trình tiêu hao ít năng lượng, sử dụng nguyên liệu tái chế, nhà máy sản xuất ít phát thải…
Công ty TNHH Mariso Việt Nam (Khu Công nghiệp Suối Dầu) đang áp dụng sản xuất xanh để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. |
Do đó, vấn đề sản xuất xanh đang là bài toán sống còn đối với các doanh nghiệp, nếu không sớm chuyển đổi xanh sẽ gặp bất lợi. Khi tham gia vào thị trường thế giới, sản xuất xanh sẽ giúp các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Doanh nghiệp của quốc gia nào chậm chân trong chuyển đổi sang sản xuất xanh thì sẽ dần mất đi cơ hội và lợi thế. Đơn cử như ngành dệt may của Việt Nam đã từng vươn lên xếp thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu, thế nhưng gần đây đã phải nhường lại vị trí này cho Bangladesh vì chậm chuyển đổi xanh.
Đối với Khánh Hòa, toàn tỉnh có khoảng 20.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập; trong số đó, hơn 8.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Sản phẩm chủ đạo là cơ khí, bê tông, vật liệu xây dựng, nhựa, thực phẩm, vải lụa thành phẩm, thủy sản đông lạnh. Một số công ty đã đầu tư vào các dây chuyền sản xuất hiện đại, đạt một số tiêu chuẩn (HACCP, ISO) như Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang; nhiều công ty xuất khẩu hải sản cũng đã áp dụng sản xuất tuần hoàn. Tuy nhiên, hiện các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu tái chế của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ trọng không đáng kể; chưa có doanh nghiệp nào có sản phẩm được dán nhãn sinh thái/nhãn xanh theo Tiêu chuẩn ISO 14024. Đây thực sự đang là rào cản rất lớn đối với công nghiệp Khánh Hòa. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn tỉnh đang phấn đấu đạt được kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD/năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, nếu các doanh nghiệp không nhanh chóng chuyển sang sản xuất xanh thì khả năng bị các thị trường châu Âu và các nước Nhật Bản, Mỹ từ chối đơn hàng rất dễ xảy ra; khi đó, mục tiêu xuất khẩu khó hoàn thành.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh tỉnh đang xây dựng Đề án “Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030” nhằm đưa Khánh Hòa trở thành đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực; là địa phương đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức “0” của Việt Nam vào năm 2050 thì doanh nghiệp sản xuất phải là những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này. Vấn đề sản xuất xanh không còn là xu thế mà đã trở thành yếu tố quyết định cho việc xuất khẩu và đưa hàng ra thị trường của các doanh nghiệp. Quan điểm của tỉnh đối với vấn đề này cũng rất rõ ràng: Với vị thế là trung tâm du lịch của cả nước và đang trong quá trình chuyển đổi xanh toàn diện, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp ngay khi đăng ký thành lập mới, hoặc xin cấp chứng nhận đầu tư phải cam kết sản xuất xanh. Tất cả hoạt động sản xuất phải phù hợp với mục tiêu của Đề án “Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030” đề ra.
Có thể khẳng định, vấn đề sản xuất xanh đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đã đến lúc các doanh nghiệp phải đưa ra lộ trình cho chuyển đổi xanh, sản xuất xanh; cần phải nghiên cứu kỹ, có kế hoạch chuyển hướng đầu tư cho sản xuất xanh để phát triển bền vững và tăng khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng và phát triển rộng rãi sản xuất xanh tại các doanh nghiệp lại là vấn đề không dễ dàng. Bởi lẽ, doanh nghiệp cần phải có nguồn kinh phí lớn để đầu tư máy móc, thiết bị, đào tạo nhân lực... Vì vậy, doanh nghiệp cũng rất cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thực hiện.
ĐÌNH LÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin