21:36, 13/09/2024

Phát huy sức mạnh của các hội quần chúng

PHẠM MINH TUẤN

Ở nước ta, quyền lập hội bắt đầu chính thức ghi nhận từ Hiến pháp năm 1946. Đến năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 102/SL/L004 quy định về quyền lập hội. Tuy còn sơ lược, nhưng Sắc lệnh là sự khởi đầu về quyền lập hội của quần chúng nhân dân. Quyền này tiếp tục khẳng định trong các bản Hiến pháp về sau này đã cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc trao các quyền cho công dân, trong đó có quyền lập hội. Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện cho các hội quần chúng hoạt động theo quy định của pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, nhân dân gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần xây dựng tỉnh Khánh Hòa theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị.

Ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa trao tặng biểu trưng cho 2 đơn vị tham gia tổ chức chương trình “Chủ nhật đỏ”.
Ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa trao tặng biểu trưng cho 2 đơn vị tham gia tổ chức chương trình “Chủ nhật đỏ”.

Nhiều kết quả tích cực

Từ khi thực hiện sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các tổ chức hội quần chúng ở nước ta ngày càng tăng về số lượng, phong phú về loại hình và đa dạng về phương thức hoạt động. Đảng ta luôn khẳng định các tổ chức hội quần chúng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Khánh Hòa, cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách, đường lối về hội quần chúng trong tình hình mới. Trong công tác quản lý Nhà nước, đối với các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về công tác hội trên địa bàn và các văn bản triển khai có liên quan công tác hội quần chúng. Hiện nay, toàn tỉnh có tổng số 607 hội. Trong đó, hội có phạm vi hoạt động cấp tỉnh là 86 hội; hội có phạm vi hoạt động cấp huyện là 63 hội; hội có phạm vi hoạt động cấp xã là 458 hội. Có 18 hội được xác định là hội quần chúng do Đảng, nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh và được giao 94 người làm việc; hội có phạm vi hoạt động cấp huyện được giao 50 người làm việc. Các tổ chức hội quần chúng là nơi tập hợp, rèn luyện lòng yêu nước, làm chủ xã hội của Nhân dân, tham gia vào hoạt động ích nước, lợi nhà.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cá nhân… các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hoạt động có hiệu quả, đúng tôn chỉ, mục đích và điều lệ hội. Các hội quần chúng đã phát huy vai trò, trách nhiệm và chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; thực hiện ngày càng tốt hơn nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dân chủ, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp, Pháp luật; tiếp tục kiện toàn tổ chức, chú trọng phối hợp trong đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân được đa dạng hóa dưới nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Các hội quần chúng từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, đa dạng hoá các loại hình tập hợp, đoàn kết, giáo dục, quan tâm chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên. Năm 2023, tổng giá trị hoạt động toàn cấp Hội Chữ thập đỏ tỉnh đạt hơn 76,7 tỷ đồng, vượt gấp hơn 10 lần so với kinh phí Nhà nước cấp và đã trợ giúp 131.974 lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện công tác xã hội, các cấp hội đã vận động trao tặng hơn 94.820 suất quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã trợ giúp 1.760 địa chỉ, xây mới 60 nhà nhân đạo; phối hợp các các cơ quan, đơn vị tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho gần 26.850 lượt người; cấp phát 55 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; công tác hiến máu tình nguyện đã vận động thu nhận hơn 21.000 đơn vị máu hiến đáp ứng đủ nhu cầu máu cấp cứu và điều trị trong tỉnh… Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, đã tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ với 40 tổ chức hội thành viên, gần 100.000 hội viên, trí thức; tổ chức hàng chục lượt tư vấn, phản biện cho các đồ án, đề án, dự án được tỉnh giao nhiệm vụ và các đơn vị, địa phương đặt hàng; gần 500 văn bản góp ý các chuyên ngành khoa học - kỹ thuật; tổ chức 20 diễn đàn trí thức, đề xuất hàng trăm kiến nghị, giải pháp hiệu quả về các vấn đề xã hội, địa phương đang quan tâm… Những phong trào như: Đền ơn đáp nghĩa; Giảm nghèo bền vững; Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Ngày vì người nghèo... đã được nhiều hội tích cực phối hợp với các cấp, ngành, chính quyền địa phương tổ chức. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thường xuyên mời đại diện các hội quần chúng tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Sự phối hợp giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan đến hoạt động của các hội quần chúng như: Nhu cầu thành lập hội; tổ chức đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường; hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên các tổ chức hội. Bên cạnh đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng phối hợp trao đổi cung cấp thông tin, số liệu báo cáo theo quy định; thường xuyên phối hợp cho ý kiến về công tác nhân sự của các hội và cùng tham gia các Đoàn kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các hội quần chúng.  

Nâng cao chất lượng hoạt động

Bên cạnh những kết quả đạt, hoạt động hội quần chúng vẫn còn tình trạng việc sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất các tổ chức hội ở địa phương có tính chất tương đồng còn chưa triển khai; công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội một số nơi có quan tâm, nhưng chưa được thường xuyên, nề nếp sinh hoạt chưa được duy trì liên tục; một số hội chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật (chưa tiến hành đại hội nhiệm kỳ theo quy định; chưa thực hiện đúng nguyên tắc “tự nguyện, tự quản, tự trang trải về kinh phí”); một phần còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, còn tồn tại sự so sánh về chế độ, chính sách giữa các tổ chức hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trong quá trình tổ chức, hoạt động. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong quản lý tổ chức, hoạt động hội chưa thực sự chặt chẽ. Việc xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động hội chưa có quy định, chế tài cụ thể, đặc biệt đối với các sở quản lý ngành, lĩnh vực mà hội hoạt động. Một số tổ chức hội quần chúng chưa chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền lãnh đạo, định hướng về tổ chức, hoạt động của hội. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số tổ chức hội còn mờ nhạt, chưa phát huy đầy đủ vai trò và vị thế của tổ chức hội.

Lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và lãnh đạo tỉnh phát động Chiến dịch Triệu bước chân nhân ái.
Lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa phát động Chiến dịch "Triệu bước chân nhân ái".

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, để phát huy vai trò hoạt động của các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh, thời gian tới sẽ tập trung vào việc phối hợp tuyên truyền trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội việc triển khai thực hiện Thông báo số 158-TB/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội quần chúng trong tình hình mới; Quyết định số 118-QĐ/TW, ngày 22-8-2023 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương và các văn bản có liên quan về hội quần chúng; tăng cường kiểm tra, giám sát và tổ chức sơ, tổng kết cũng như đề xuất khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác hội. Các sở, ban, ngành của tỉnh được giao trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các hội quần chúng, cần tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và các văn bản khác có liên quan. Các cấp ủy và chính quyền cần phối hợp tổ chức định kỳ các cuộc đối thoại với các hội quần chúng, phát huy vai trò nêu gương của đảng viên đang công tác và sinh hoạt trong các hội quần chúng. Các hội quần chúng phải đa dạng hóa các hình thức tập hợp, đồng thời đổi mới tổ chức và hoạt động; gắn bó chặt chẽ với hội viên, thành viên thông qua các hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các cấp hội, từng hội viên gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có như thế, các cấp hội quần chúng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa mới phát huy vai trò, góp phần thực hiện mục tiêu chung xây dựng tỉnh Khánh Hòa theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

PHẠM MINH TUẤN
 (Ban Dân vận Tỉnh ủy Khánh Hòa)