21:42, 05/08/2024

Tiến ra biển lớn - Kỳ 3: Mục tiêu xuất khẩu thủy sản vượt 1 tỷ USD

HẢI LĂNG

Kỳ 3: Mục tiêu xuất khẩu thủy sản vượt 1 tỷ USD

Mục tiêu được tỉnh đặt ra khi xây dựng Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa (đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) là từng bước phát triển công nghiệp nuôi biển, với tầm nhìn đến năm 2045 đưa nuôi biển công nghiệp trở thành ngành chủ lực, xuất khẩu thủy sản vượt 1 tỷ USD. Trong đó, tỉnh đã xác định các khu vực nuôi, đối tượng nuôi chủ lực; vấn đề then chốt còn lại là cần phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn về nuôi biển công nghệ cao.

Từng bước phát triển để đạt mục tiêu xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD

Trò chuyện với tôi khi tham dự Diễn đàn trí thức tỉnh lần thứ nhất năm 2024 mới đây, ông Lê Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: "Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có: “Phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng: Nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường”, các chương trình hành động của Chính phủ, của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 09 đều xác định: Công tác xây dựng, triển khai Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế biển của tỉnh. Vì vậy, liên tục trong thời gian qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh cùng với sự hỗ trợ của đơn vị tài trợ, các chuyên gia, nhà khoa học… đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Người dân thu hoạch cá bớp nuôi bằng lồng HDPE 
tại vùng biển mở xã Cam Lập (Cam Ranh).
Người dân thu hoạch cá bớp nuôi bằng lồng HDPE tại vùng biển mở xã Cam Lập (Cam Ranh).

Tìm hiểu sâu hơn, tôi được biết, trong đề án này, tỉnh xác định mục tiêu phát triển nuôi biển theo hướng: Góp phần tăng năng suất, giá trị ngành nuôi trồng thủy sản và nâng cao thu nhập của người dân nuôi biển và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan thông qua việc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội, hướng tới xuất khẩu thủy sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường; bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế biển, vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ; bảo đảm giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển.

Để thực hiện, tỉnh xác định lộ trình cụ thể gồm: Giai đoạn 2024 - 2029, tỉnh sẽ thực hiện thí điểm nuôi biển công nghệ cao; giai đoạn 2030 - 2045 tập trung phát triển nuôi biển công nghệ cao trên các vùng biển của tỉnh. Tầm nhìn đến năm 2045, cùng với các ngành kinh tế khác, công nghiệp nuôi biển của tỉnh ở trình độ tiên tiến, với phương thức quản lý hiện đại, trở thành bộ phận quan trọng trong ngành nông nghiệp tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh, góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản tỉnh vượt mốc 1 tỷ USD.

Hơn 2.716ha thí điểm nuôi biển công nghệ cao

Tôi còn nhớ, trong lần đi khảo sát tình trạng nuôi biển vi phạm công trình hàng hải tại TP. Cam Ranh đầu tháng 7 vừa qua, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Không riêng địa bàn Cam Ranh mà ở huyện Vạn Ninh và nhiều địa phương ven biển khác đang diễn ra tình trạng nuôi biển tự phát, tràn lan ngoài vùng quy định. Trong khi đó, công tác quản lý vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mới hiện nay… Do đó, cần phải có kế hoạch sắp xếp lại nuôi biển trên địa bàn tỉnh để thực hiện tốt việc quản lý, giao khu vực biển, cấp phép nuôi trồng...

“Người dân đang rất quan tâm đến các địa điểm được phép nuôi biển, việc này đến nay như thế nào thưa đồng chí?” - tôi hỏi. “Hiện nay, Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đang được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đã xác định rõ các vị trí nuôi biển trên địa bàn tỉnh. Để phát triển nuôi biển công nghệ cao, tỉnh đã sẵn sàng về khu vực nuôi, đối tượng nuôi, quy trình nuôi… tỉnh đã sẵn sàng tiếp nhận các dự án phát triển nuôi biển công nghệ cao” - đồng chí Trần Hòa Nam cho biết.

Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) 
thu hoạch cá chim vây vàng được nuôi trên vịnh Vân Phong.
Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) thu hoạch cá chim vây vàng được nuôi trên vịnh Vân Phong.

Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đã xác định cụ thể địa điểm nuôi biển trên địa bàn tỉnh có tổng diện tích 2.716,86ha, trong đó có 1.443,86ha thuộc khu vực biển đến 3 hải lý và 1.273ha thuộc khu vực biển từ 3 đến 6 hải lý. Toàn tỉnh xác định 4 vùng nuôi gồm: Vùng nuôi biển Vạn Ninh có 8 địa điểm nuôi đến 3 hải lý (tổng diện tích 1.164,86ha), 2 địa điểm nuôi từ 3 đến 6 hải lý (tổng diện tích 634ha); vùng nuôi biển Ninh Hòa có 4 địa điểm nuôi đến 3 hải lý (tổng diện tích 266ha) và 1 địa điểm nuôi từ 3 đến 6 hải lý (71ha); vùng nuôi biển Nha Trang có 1 địa điểm nuôi đến 3 hải lý (13ha) và 4 địa điểm nuôi từ 3 đến 6 hải lý (tổng diện tích 459ha) và vùng nuôi biển Cam Lâm có 1 địa điểm nuôi từ 3 đến 6 hải lý (109ha). Các đối tượng nuôi chủ lực là tôm hùm, các loài cá biển, nhuyễn thể…

Khi nghe về một số địa điểm dự kiến sẽ được thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vịnh Vân Phong, ông Nguyễn Hải Phương - người nuôi tôm hùm ở khu vực Rạn Trào (xã Vạn Hưng, Vạn Ninh) cho rằng: “Diện tích tỉnh xác định để thực hiện thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vịnh Vân Phong khá lớn nhưng chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu của các hộ nuôi. Người nuôi mong muốn tỉnh khảo sát thêm các vùng nuôi tiềm năng để mở rộng diện tích nuôi thí điểm, từ đó giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nuôi biển”.

Quy chuẩn công nghệ là then chốt

Mang định hướng phát triển nuôi biển công nghiệp công nghệ cao hỏi ý kiến một số chuyên gia, tôi nhận được câu trả lời chung rằng: Cần phải trả lời được câu hỏi thế nào là công nghệ cao? Bởi đây là vấn đề then chốt, liên quan đến nhiều vấn đề đang đặt ra đối với quá trình chuyển đổi sang nuôi biển công nghệ cao của tỉnh.

Khi nói đến vốn cho phát triển nuôi biển công nghệ cao, ông Đỗ Trọng Thảo - Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa khẳng định: Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa đã triển khai rất sớm chính sách tín dụng cho vay nuôi biển công nghệ cao theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản, với mức lãi suất thấp hơn 1 - 2% so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều khách hàng tiếp cận gói tín dụng ưu đãi này; tính đến ngày 30-6, toàn tỉnh chỉ có 6 hộ vay tổng cộng 12 tỷ đồng. Thực tế triển khai cho vay nuôi biển công nghệ cao, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chưa nắm rõ mô hình đầu tư này như thế nào, kể cả về thiết kế, tiêu chuẩn lồng bè, quy chuẩn công nghệ nuôi… Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thẩm định dự án của khách hàng vay vốn.

Còn ông Lê Bền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng: “Một trong những rào cản hiện nay là chúng ta chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về kỹ thuật nuôi biển, thiếu hệ thống đăng kiểm cơ sở nuôi biển. Một khi chưa xác định được như thế nào là nuôi biển công nghệ cao thì doanh nghiệp bảo hiểm không dám bán bảo hiểm cho nuôi biển công nghệ cao, ngân hàng cũng thiếu cơ sở để thẩm định cho vay vốn… Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật nuôi biển, thủ tục đăng kiểm các cơ sở, phương tiện phục vụ nuôi biển, bảo hiểm phục vụ nuôi biển…”.

Tìm gặp ông Hoàng Văn Hợi - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Công nghệ nuôi trồng thủy sản - đơn vị cung cấp lồng nuôi HDPE và giải pháp công nghệ cho mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển hở xã Cam Lập (Cam Ranh), tôi được ông Hợi chia sẻ về chất lượng sản phẩm lồng nuôi HDPE của công ty ông đã được cụ thể hóa bằng các giải thưởng, bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được các ngành, các cấp công nhận và được áp dụng thành công trên quy mô lớn trong nuôi biển ở cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên khi tôi hỏi: "Công nghệ nuôi bằng lồng HDPE của công ty có phải công nghệ cao?", ông Hợi cho rằng, công ty ông và nhiều doanh nghiệp khác hoàn toàn có thể cung cấp được lồng nuôi HDPE và giải pháp nuôi biển công nghệ cao. Vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về nuôi biển công nghệ cao để doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đáp ứng được yêu cầu, cung cấp đến người nuôi sản phẩm có chất lượng cao, giá thành phù hợp nhất.

HẢI LĂNG

 Kỳ cuối: Quyết tâm thực hiện thành công