Trong kế hoạch phát triển ngành công nghiệp, thương mại tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030, lĩnh vực công nghiệp được đặc biệt chú trọng và xác định là trụ cột kinh tế, tạo động lực cho tăng trưởng của tỉnh. Đây chính là nhân tố góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách phát triển
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, từ nay đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, như: Đóng tàu, chế biến thủy sản, chế biến các sản phẩm từ yến sào, công nghiệp hỗ trợ cơ khí, điện tử... Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; công nghiệp vật liệu mới, cơ khí chế tạo chính xác; công nghiệp công nghệ sinh học, công nghiệp dược, nghiên cứu phát triển ngành sản xuất vắc xin, dược liệu biển.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Komega-X. |
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh; vận dụng tối đa cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao khả năng cạnh tranh trong sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, vấn đề thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hợp tác xã chế biến nông sản, thực phẩm ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đơn vị, doanh nghiệp sẽ được tỉnh quan tâm nhiều hơn.
Đối với các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh, thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và số hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của ngành công nghiệp. Đặc biệt, trú trọng phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, chủ lực của tỉnh, đảm bảo phù hợp với bối cảnh mới và các cam kết quốc tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo lập môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh cao. Các đơn vị liên quan sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng danh mục các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên cho giai đoạn tới năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 để đảm bảo tính thống nhất và tập trung xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, phát triển có trọng tâm, trọng điểm.
Cảng tổng hợp Nam Vân Phong. |
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Sanh Đương - Phó Giám đốc Sở Công Thương, thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chuyên môn hóa có lợi thế về giao thông, địa kinh tế, tài nguyên, lao động, logistics, có khả năng trở thành động lực tăng trưởng và thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó, tiếp tục sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển CCN theo hướng khuyến khích doanh nghiệp làm chủ hạ tầng CCN, tăng cường xã hội hóa trong đầu tư phát triển CCN và xử lý tốt các vấn đề môi trường. Đồng thời, quan tâm đến vấn đề đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp.
Đầu tư hạ tầng công nghiệp
Đi đôi với xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, để công nghiệp thực sự trở thành thành trụ cột kinh tế của tỉnh vào năm 2030, việc phát triển KCN, CCN được các sở, ban, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, sớm hoàn thành quy hoạch chung các huyện, thị xã, thành phố; quy hoạch phân khu, đặc biệt là các phân khu có KCN, CCN… Đồng thời, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại KCN Ninh Thủy và KCN Dốc Đá Trắng, các CCN Trảng É 2, 3 và CCN Diên Thọ; cho thuê đất để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN, CCN theo tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
UBND tỉnh cũng tập trung đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng các KCN, CCN triển khai dự án đảm bảo tiến độ và đồng hành với nhà đầu tư tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án; kết nối, hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận với các khoản tín dụng ưu đãi cho đầu tư cơ sở hạ tầng... Tại Khu Kinh tế Vân Phong, tỉnh sẽ thu hút các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, các dự án công nghiệp trọng điểm về: Năng lượng, đóng tàu, cảng biển; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao; các ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến dầu khí, sản xuất hydro. Khu vực TP. Nha Trang và vùng phụ cận, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, như: Điện tử, tin học, công nghệ vật liệu mới; di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Khu vực vịnh Cam Ranh đẩy mạnh phát triển cảng biển, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng điện mặt trời, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản, nông sản thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng...
Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng chủ động phối hợp với các địa phương trong vùng, tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo kết nối cung, cầu nhằm tìm kiếm cơ hội trong liên kết sản xuất; khai thác tối đa lợi thế, tăng cường hợp tác với tỉnh Phú Yên trong phát triển khu vực Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa; kết nối với các tỉnh vùng Tây Nguyên khi dự án Đầu tư Xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 được hoàn thành.
Ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Công nghiệp phải là trụ cột cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Nếu du lịch để ổn định an sinh, tạo thêm các dịch vụ đi kèm thì công nghiệp chính là lĩnh vực tạo ra nguồn thu lớn, lâu dài và tạo nên sự phát triển đột phá cho kinh tế của tỉnh. Thời gian tới, Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với các địa phương trong khu vực thực hiện nghiêm quy hoạch vùng, tuân thủ phân bố không gian, tránh việc đầu tư chồng chéo gây lãng phí, khai thác hiệu quả lợi thế của toàn vùng và lợi thế so sánh của tỉnh trong phát triển kinh tế nói chung, phát triển công nghiệp nói riêng. Mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao.
UBND tỉnh xác định, mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp phải đạt hơn 25% trong cơ cấu GRDP; phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 đạt 12,6%/năm. Phấn đấu 100% các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp tại KCN Suối Dầu đi vào hoạt động; nâng tỷ lệ lấp đầy KCN Ninh Thủy lên hơn 80%; lấp đầy 100% đối với 9 CCN đã được thành lập. Hoàn thành xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư các KCN: Nam Cam Ranh, Dốc Đá Trắng, Ninh Xuân và Ninh Diêm 3.
ĐÌNH LÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin