Không chỉ có cảnh quan tươi đẹp, vịnh Nha Trang còn có giá trị rất lớn về tính đa dạng sinh học. Trong những năm gần đây, do tác động của con người và thiên tai, môi trường vịnh Nha Trang đã bị ô nhiễm, sự đa dạng sinh học nói chung và hệ sinh thái rạn san hô nói riêng bị suy giảm nghiêm trọng. Tháng 6-2022, khi công luận lên tiếng về sự suy giảm của các rạn san hô trong vịnh Nha Trang, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm “chữa lành những vết thương” cho hệ sinh thái biển. TP. Nha Trang và các sở, ngành đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, khôi phục rạn san hô để hướng đến bảo tồn và phát huy bền vững giá trị vịnh Nha Trang…
Kỳ 1: “Chữa lành vết thương” cho hệ sinh thái biển
Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi cùng Đoàn giám sát của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đến Khu bảo tồn biển Hòn Mun để kiểm tra dấu hiệu phục hồi của rạn san hô. Trong ánh nắng thu, biển xanh ngắt một màu. Nhìn qua tàu đáy kính, có thể thấy những đàn cá tung tăng bơi lượn dưới làn nước trong xanh. Dù chỉ là một phần nhỏ thôi song cũng làm dâng lên niềm hy vọng về sự phục hồi đa dạng sinh học ở vịnh Nha Trang...
Từ “báo động đỏ” về suy giảm các rạn san hô...
Đầu tháng 6-2022, báo chí đồng loạt lên tiếng về sự suy giảm nghiêm trọng rạn san hô ở khu vực biển Hòn Mun, nơi có sự đa dạng sinh học bậc nhất của vịnh Nha Trang. Hình ảnh san hô bị gãy nát, đáy biển xơ xác, hàng tấn san hô chết bị sóng đánh tấp thành lớp dày đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Ngay sau đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo làm rõ nguyên nhân hệ sinh thái biển bị suy giảm và đề xuất các giải pháp xử lý, khắc phục. Kết quả khảo sát vào ngày 12-6-2022 cho thấy, không chỉ có rạn san hô tại vùng biển Hòn Mun mà san hô ở nhiều khu vực khác trong vịnh Nha Trang đều bị hư hại rất nhiều. Ở nhiều địa điểm, san hô suy giảm 70 - 80% so với kết quả khảo sát từ năm 2015. Theo báo cáo của Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang, san hô bị suy giảm do tác động của cơn bão số 12 (năm 2017) và ảnh hưởng của cơn bão số 9 (năm 2021), sự bùng nổ sao biển gai trong 2 năm 2018 - 2019; rạn san hô bị tẩy trắng do nhiệt độ nước biển tăng cao vào năm 2019... Không hài lòng với “trả lời” trên, ngay sau đó, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về việc suy giảm rạn san hô tại khu vực Hòn Mun, vịnh Nha Trang với sự tham gia của nhiều nhà khoa học uy tín. Từ đó đi đến kết luận, nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm phần lớn rạn san hô tại vịnh Nha Trang là một quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của các cơn bão nói trên, còn có nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của BQL vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót. Nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời, như: Nạn khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch…
Nhóm thợ lặn của Ban Quản lý vịnh Nha Trang kiểm tra sự phục hồi san hô. |
Nhắc lại chuyện cũ, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học cho biết, ông và các nhà khoa học có thâm niên nghiên cứu về vịnh Nha Trang không hề bất ngờ đối với sự suy giảm về tính đa dạng sinh học của vịnh. “Cách đây hơn 30 năm, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã có những khảo sát đầy đủ về tính đa dạng sinh học ở vịnh Nha Trang, từ đó đề xuất thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Mun. Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về sự suy thoái của vịnh Nha Trang, sự suy giảm của các rạn san hô trong khu vực vịnh. Sự suy giảm của các rạn san hô là cả một quá trình, với nhiều tác động tiêu cực. Đầu tiên là nạn dùng mìn đánh cá đã phá hủy rất nhiều rạn san hô. Tiếp đó, khi du lịch phát triển, ngư dân lại dùng cyanua để đánh bắt thủy sản phục vụ nhu cầu ăn uống của khách du lịch, thú chơi cá cảnh. Những năm gần đây là hoạt động xây dựng ồ ạt các công trình ven biển, việc khai thác du lịch quá mức ở trên vịnh…”, ông Võ Sĩ Tuấn chia sẻ.
... Đến những hành động quyết liệt
Sau khi xác định nguyên nhân, ngày 21-6-2022, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã yêu cầu phải giữ gìn và phục hồi vịnh Nha Trang, bao gồm rạn san hô trong khu vực biển Hòn Mun và xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp thiết, vừa lâu dài của tỉnh nói chung và TP. Nha Trang nói riêng. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, BQL vịnh Nha Trang đã cho tạm ngừng hoạt động bơi, lặn biển tại khu vực Hòn Mun từ cuối tháng 6-2022 đến nay. Đặc biệt, tháng 11-2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 với 16 giải pháp vừa có tính cấp thiết vừa có tính lâu dài. “Mục tiêu của kế hoạch phục hồi được các hệ sinh thái rạn san hô đã bị suy thoái ở khu vực biển Hòn Mun và trong vịnh Nha Trang; huy động được các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tham gia giám sát, bảo vệ và bảo tồn rạn san hô trong vịnh gắn với phát triển sinh kế bền vững và các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường. Đồng thời, kế hoạch cũng nhằm tạo cơ chế đối thoại giữa cộng đồng với khối tư nhân và cơ quan nhà nước; phối hợp liên ngành và quản lý tổng hợp vịnh Nha Trang, hướng tới xây dựng “thành phố Khánh Hòa” trực thuộc Trung ương vào năm 2030, trong đó kinh tế biển là then chốt”, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.
Đảo Trí Nguyên (Hòn Miễu) trong vịnh Nha Trang. Ảnh: Đông Giang |
Ngay sau khi kế hoạch được phê duyệt, nhiều nhà khoa học đã đánh giá rất cao về tinh thần cầu thị của lãnh đạo tỉnh. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam đánh giá, Kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang đã trở thành một cam kết chính trị của lãnh đạo tỉnh trong việc phục hồi đa dạng sinh học và vẻ đẹp của vịnh đẹp toàn cầu. Đây là cách làm tiên phong, là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc và kịp thời tiếp thu những ý kiến công luận đúng đắn, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách của Quốc hội, Chính phủ về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 theo hướng xanh và bền vững.
Ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang, UBND TP. Nha Trang (đơn vị chủ trì triển khai) đã cùng các sở, ngành liên quan bắt tay ngay vào việc triển khai các giải pháp hướng đến phục hồi rạn san hô ở Hòn Mun cũng như sự đa dạng sinh học của vịnh Nha Trang. “Cùng với việc tạm dừng lặn biển ở Hòn Mun, đến nay Phòng Kinh tế thành phố đã di dời đầm đăng Lam Dự của Hợp tác xã Đoàn Kết ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun. Đội công tác liên ngành trên vịnh và UBND các xã, phường tiếp tục tăng cường kiểm tra hoạt động nuôi trồng thủy sản, cương quyết không để người dân đóng mới, cơi nới lồng bè trên vịnh Nha Trang”, ông Nguyễn Sỹ Khánh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết. UBND thành phố cũng đã đề xuất, xem xét đưa khu vực san hô ở vùng biển Hòn Chồng - Đặng Tất vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt để có cơ sở pháp lý trong công tác quản lý, bảo tồn; thực hiện khoanh vùng để bảo vệ san hô ở khu vực biển Hòn Chồng - Đặng Tất…
Bên cạnh đó, các đề án nghiên cứu khoa học có tính dài hơi cũng đã được đặt hàng để triển khai. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã tham mưu trình UBND tỉnh đề xuất Bộ KH-CN thực hiện đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, tác động và đề xuất giải pháp bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên rạn san hô vùng biển ven bờ tỉnh Khánh Hòa”. BQL vịnh Nha Trang cũng đã xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Ứng dụng kỹ thuật trồng phục hồi và tái tạo hệ sinh thái rạn san hô nhằm tạo vườn ươm cung cấp giống san hô ở vịnh Nha Trang theo phương pháp vi mảnh” với mục tiêu tạo vườn ươm san hô có khả năng đảm bảo nguồn giống trồng phục hồi và tái tạo hệ sinh thái san hô vịnh Nha Trang (đề tài đang được Sở KH-CN thẩm định để cấp kinh phí thực hiện). Để nâng cao nhận thức, kiến thức về cách ứng xử thân thiện với môi trường vịnh Nha Trang, thành phố đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao chủ trì, phối hợp với BQL vịnh Nha Trang và các xã, phường biển thường xuyên tuyên truyền về trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái vịnh Nha Trang nói chung và bảo vệ rạn san hô nói riêng; các quy định, chế tài xử phạt hiện hành đối với những hành vi xâm hại đến môi trường vịnh và hệ sinh thái rạn san hô. BQL vịnh Nha Trang phối hợp các đơn vị, địa phương thả khoảng 12.000 con giống thủy sản các loại nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản; tổ chức trồng mới rừng ngập mặn để góp phần tái tạo hệ sinh thái biển.
Sau hơn 8 tháng triển khai Kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn nhận định: “Bước đầu đã có một số hiệu quả, rõ nhất đó là sự chuyển biến nhận thức của cộng đồng về bảo tồn tính đa dạng sinh học của vịnh Nha Trang và sự phối hợp liên ngành trong việc quản lý vịnh Nha Trang đã tốt hơn”. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều công việc quan trọng trong Kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang mới chỉ khởi động và việc phục hồi các rạn san hô còn nhiều gian nan.
Theo quyết định của UBND tỉnh năm 2005, vịnh Nha Trang (còn gọi là vịnh Bình Cang - Nha Trang) có tổng diện tích gần 250km2, bao gồm gần 212km2 mặt biển và 37,8km2 các đảo trong vịnh. Vịnh Nha Trang tiếp giáp với đầm Nha Phu ở phía bắc; phía đông tiếp giáp với vùng lãnh hải Việt Nam; phía nam giáp với cửa ngõ phía bắc vào vịnh Cam Ranh; phía tây là vùng bờ biển kéo dài theo hướng vòng cung từ mũi Kê Gà đến mũi Cù Hin.
Tiến sĩ VÕ SĨ TUẤN - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học: Vịnh Nha Trang là một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới khi chứa đựng hầu hết các hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó rạn san hô, rừng ngập mặn và thảm cỏ biển được cho là những hệ sinh thái tiêu biểu.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã khẳng định vịnh Nha Trang là vùng biển ven bờ có mức độ đa dạng sinh học cao nhất ở Việt Nam; một trong những vùng có mức độ đa dạng sinh học cao của thế giới. Các rạn san hô ở vịnh Nha Trang có hơn 350 loài san hô (chiếm 40% san hô tạo rạn trên thế giới). Kết quả nghiên cứu chi tiết năm 2002, ở vùng rạn san hô có 200-300 loài sinh vật kích thước lớn, mật độ cá rạn san hô ở đây rất dày. Ngoài ra, các nhà khoa học đã xác định trong khu vực vịnh Nha Trang có 9 loài cây ngập mặn, 10 loài cỏ biển (chiếm 2/3 số loài cỏ biển được ghi nhận tại Việt Nam). Ngoài khu vực biển Hòn Mun, trước đây, vịnh Nha Trang có nhiều khu vực có tính đa dạng sinh học rất cao, trong đó khu vực Bãi Tiên - Hòn Rùa có đa dạng sinh học không kém khu vực Hòn Mun nhưng do ngư dân đánh mìn bắt cá quá nhiều nên đã bị hủy hoại.
XUÂN THÀNH - THÁI THỊNH
Kỳ 2: Gian nan phục hồi rạn san hô
Kỳ 3: Còn nhiều việc phải làm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin