Mọi luận điệu xuyên tạc nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; những “lý luận” rêu rao rằng Việt Nam muốn “vươn mình trong kỷ nguyên mới” thì cần phải thực hiện dân chủ đa nguyên, đa đảng đối lập... đều cần phải được nhận diện đúng để kịp thời đấu tranh, bác bỏ.
(Hình minh họa) |
Gần đây các phần tử bất mãn, cơ hội, phản động lợi dụng phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, ngày 21/10/2024: “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn” để xuyên tạc và “định hướng dư luận” là đã đến lúc phải xóa bỏ “điểm nghẽn” của điểm nghẽn đó.
Chúng ta không lạ gì chủ ý của những giọng điệu chống phá không ngoài nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, “kêu gọi” thực hiện dân chủ đa nguyên... Vì thế, chúng ta cũng cần khẳng lại một sự thật chắc chắn rằng, “điểm nghẽn của điểm nghẽn” ở Việt Nam không phải là Đảng Cộng sản, bởi “mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản” đã được ghi rõ trong Điều lệ Đảng.
KIÊN ĐỊNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG
Gần 95 năm về trước, ngay từ khi mới ra đời, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (2/1930), Đảng ta đã khẳng định rõ nhiệm vụ giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH). Theo đó cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: Cách mạng tư sản dân quyền (giành độc lập dân tộc; mang lại ruộng đất cho dân cày) và cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) (xây dựng CNXH, chủ nghĩa cộng sản). Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH - Ý Đảng và khát vọng của lòng Dân gặp nhau đã bồi tụ nên nguồn sức mạnh vô song của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần làm nên thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945).
Thực tế cho thấy, dù phải trải qua các cuộc chiến tranh nhân dân để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, song một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc đã và đang hiển hiện trên thực tế. Một Việt Nam kiên định độc lập dân tộc và CNXH “đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(1) là minh chứng sinh động cho thấy rằng: 1) Lý tưởng cộng sản, con đường cách mạng vô sản do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam lựa chọn và được triển khai ở Việt Nam dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là đúng đắn, phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam; phù hợp xu thế phát triển tất yếu của nhân loại. 2) CNXH không “mất đi”, không bị “xóa bỏ”, dù mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ mà vẫn hiện diện trong đời sống đương đại. 3) Bài học kinh nghiệm về những sai lầm trong đường lối cải tổ (xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ; xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản; phi chính trị hóa lực lượng vũ trang; sự thoái hóa, biến chất trong nội bộ; sai lầm trong công tác cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cấp chiến lược…) của Liên Xô đã được Đảng Cộng sản Việt Nam rút kinh nghiệm để tiến hành thành công sự nghiệp đổi mới từ Đại hội VI (12/1986)...
Thực tế là, từ năm 1930 đến nay, ngoài Đảng Cộng sản - đội tiền phong của giai cấp và dân tộc thì không có đảng phái, tổ chức chính trị của các nhân sĩ, trí thức yêu nước hay của giai cấp tư sản dân tộc nào đủ năng lực, uy tín chính trị để lãnh đạo thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Vị thế, vai trò lãnh đạo của Đảng không chỉ được ghi rõ trong các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, chuyên đề của Đảng; không chỉ được khẳng định trong các công trình nghiên cứu, đánh giá, tổng kết về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn được các tầng lớp nhân dân tin tưởng và các chính đảng khác (Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội, Việt Nam Quốc dân Đảng, Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội…) ghi nhận. Vì thế, những luận điệu bẻ cong sự thật, rằng: “Đảng độc tài tự phong mình là lực lượng lãnh đạo” và “tự quyết định” xây dựng CNXH mà không hỏi “xem người dân Việt Nam có muốn hay không” là xuyên tạc và phản động.
Thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội không phải bằng mệnh lệnh hành chính mà bằng Cương lĩnh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; bằng công tác cán bộ và hoạt động của các tổ chức Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo đúng tinh thần “các tổ chức Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” như Hiến pháp năm 2013 quy định. Cho nên, cũng không có cái gọi là Đảng “tự đặt mình lên trên Hiến pháp” như các thế lực thù địch xuyên tạc để chống phá Đảng và chế độ.
Hơn nữa, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có Hiến pháp và một hệ thống pháp luật được xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, ngày càng hoàn thiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội… để không chỉ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý đời sống xã hội hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mà còn bảo đảm, bảo vệ, thực thi, thúc đẩy quyền con người, quyền công dân và chủ động hội nhập quốc tế khi tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022.
Thực tế là, kiên định con đường đi lên CNXH, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam thực sự là người chủ và đã, đang, tiếp tục làm chủ vận mệnh của mình, của dân tộc mình trên hành trình hướng đến tương lai. Nền dân chủ XHCN mà Việt Nam xây dựng và thực hiện là yêu cầu nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam; là mục tiêu, là động lực cho sự phát triển của đất nước, không chỉ thể hiện sinh động tư tưởng Hồ Chí Minh: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ./ Bao nhiêu lợi ích đều vì dân./ Bao nhiêu quyền hạn đều của dân./ Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân./ Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân./ Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra./ Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên./ Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(2), mà còn tạo điều kiện để bảo đảm và phát huy quyền dân chủ của người dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Cần khẳng định rằng, một Việt Nam bứt phá, phát triển với diện mạo mới, tầm vóc và vị thế mới đã khác xa những ngày Đảng chưa ra đời; khác nhiều hơn so với trước khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và đã “thay da đổi thịt” từ khi cả nước thống nhất cùng đi lên CNXH sau thắng lợi của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Do đó, dù các phần tử bất mãn, cơ hội, phản động có “lập luận” và “lập lờ đánh lận con đen” dưới bất cứ hình thức cũng đều là sự xuyên tạc, cố tình bẻ cong sự thật hòng phủ nhận và đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đây là thời điểm Việt Nam “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. |
VƯƠN MÌNH TRONG KỶ NGUYÊN MỚI ĐỂ GIỮ VỮNG MỤC TIÊU ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
Đảng ta vừa khẳng định đi lên CNXH là xu thế không thể đảo ngược (mặc dù tình hình khu vực, thế giới có nhiều thay đổi, diễn biến hết sức phức tạp) và cơ chế hoạt động chính trị luôn được củng cố, giữ vững là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ”, vừa tiến hành đổi mới tư duy trên cơ sở nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật từ Đại hội VI (12/1986). Việc đổi mới mạnh mẽ sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý của nhà nước; cơ chế nhân dân làm chủ không chỉ giữ vững sự ổn định về chính trị, mà còn góp phần để đất nước đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội và tiếp tục tiến những bước hết sức ngoạn mục.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với việc đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Việt Nam đã chuyển sang cơ chế thị trường, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Với việc lựa chọn con đường phát triển đúng trọng tâm, phù hợp quy luật, từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nền kinh tế đóng cửa, khép kín, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu…
Sau gần 40 năm tiến hành đổi mới, sự thay đổi trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã mang đến cho Việt Nam cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín mới trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Chính những thành tựu vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Đảng đã “giúp Việt Nam tích lũy thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo (...). Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên Liên hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực...” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao đổi với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIV, ngày 31/10/2024.
Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18/9 đến ngày 20/9/2024 tại Thủ đô Hà Nội (Ảnh: VGP). |
Trước thềm Đại hội XIV của Đảng, Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng trong lịch sử phát triển quốc gia, nhưng chắc chắn “mô hình chính trị hiện tại”- một Đảng Cộng sản lãnh đạo - không hề làm “cản trở sự phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế” của Việt Nam. Mà trái lại, việc kiên định con đường đi lên CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng; kiên định thể chế chính trị nhất nguyên chứ không thực hiện dân chủ đa nguyên; kiên định xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng… đã mang đến cho Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất, hòa bình và phát triển ổn định gần nửa thế kỷ qua. Đó chính là sự thật, chứ không phải mô hình một Đảng Cộng sản lãnh đạo và việc lựa chọn xây dựng CNXH dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là “giới hạn tiềm năng phát triển quốc gia và làm suy yếu vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế” như các thế lực chống phá vẫn thường rêu rao bịa đặt.
Sự thật là, việc “tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”(3) và “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi”(4) của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đã không chỉ mang lại sự tăng cường hợp tác chiến lược và sự tin tưởng lẫn nhau, mà còn gia tăng hiệu quả trong hợp tác quốc phòng và an ninh và tăng cường hợp tác kinh tế và hội nhập toàn cầu…
Thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng đã làm nên một Việt Nam ngày càng phát triển, không chỉ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn là một quốc gia có trách nhiệm trong tham gia, giải quyết các vấn đề của khu vực và toàn cầu....
Những sự thật khách quan nêu trên đã chứng minh con đường mà Việt Nam đang đi là đúng đắn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đã đạt được là không thể phủ nhận. Những sự thật đó là bằng chứng phủ nhận hoàn toàn những giọng điệu “ngụy phản biện”, rằng: Việt Nam muốn vươn mình trong kỷ nguyên mới thì phải từ bỏ “chế độ chính trị độc đảng lãnh đạo” và lựa chọn chế độ “dân chủ đa nguyên”(!).
Đổi mới là bản chất của cách mạng, của phát triển, vì thế Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới để hướng đến tương lai tươi sáng, nhưng chắc chắn không “đổi màu”. Việc kiên định độc lập dân tộc và CNXH chính là để làm cho quá trình thực hiện đổi mới tiến bộ được thực hiện hiệu quả; để CNXH phát huy được bản chất ưu việt, tránh sự giáo điều, trì trệ, xơ cứng trong tư duy và tư tưởng; để làm sinh động những giá trị bền vững của một Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, tự chủ, giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH.
Việc “đổi mới thể chế chính trị”, thực hiện dân chủ đa nguyên, tổ chức xã hội dân sự không phải là “lối đi duy nhất”; càng không phải là Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn “cần phải” thực hiện “chuyển đổi thể chế và trở thành một quốc gia tự do, dân chủ, phù hợp với các giá trị phương Tây” như các phần tử bất mãn, cơ hội, phản động cổ súy. Cho nên, một điều chắc chắn là, Việt Nam sẽ vươn mình trong kỷ nguyên mới nhưng không thay đổi chế độ chính trị; không từ bỏ con đường và mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH - sợi chỉ đỏ, xuyên suốt, nhất quán của con đường cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; không khi nào từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng.
Việt Nam sẽ vươn mình trong kỷ nguyên mới nhưng không thay đổi chế độ chính trị; không từ bỏ con đường và mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH - sợi chỉ đỏ, xuyên suốt, nhất quán của con đường cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; không khi nào từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng.
Đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, Việt Nam tiếp tục đổi mới trong bối cảnh thế giới đang nhiều thay đổi có tính thời đại và đất nước cũng đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng để xây dựng một nước Việt Nam XHCN phồn vinh, hạnh phúc, song đó không phải là “con đường toàn trị”, “tiếp tục chính sách đàn áp các tiếng nói bất đồng” như các thế lực thù địch bôi đen. Mà đó là nhân nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đảm bảo, bảo vệ, thực thi, thúc đẩy quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam... chứ không chấp nhận dân chủ đa nguyên, đa đảng đối lập, tổ chức xã hội dân sự và càng không đi theo con đường tư bản chủ nghĩa./.
TS. VĂN THỊ THANH MAI
TS. NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN
___________________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.II, tr.322.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.6, tr.232.
(3) (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.117-118, 110.
Theo tuyengiao.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin