Ngày 6-1-1946, toàn thể nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội khóa I. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội đánh dấu một bước phát triển mới trong việc củng cố nền độc lập dân tộc vừa giành được, thực hiện thể chế dân chủ thực sự, thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Kết quả, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.
Khu vực bỏ phiếu trong ngày Tổng tuyển cử 6-1-1946. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Mốc son lịch sử
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 3-9-1945, Chính phủ lâm thời tổ chức phiên họp đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu...”.
Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 14-SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện chủ trương "thống nhất, thống nhất và thống nhất", Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết định mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử. Hành động này chứng tỏ Chính phủ và Việt Minh luôn tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, tôn trọng người tài năng, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, thiện tâm, thiện chí vì quyền lợi tối cao của dân tộc.
Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bằng ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 6-1-1946: Toàn dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.
Cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành sôi nổi trên khắp cả nước. Kết quả, có 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%). Nhìn chung, ở cả 71 tỉnh, thành trong cả nước, 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu phụ nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới của đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - Nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh cách mạng Việt Nam có nhiều khó khăn chồng chất, nhân dân ta vừa thoát khỏi ách nô lệ nhưng Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định tổ chức Tổng tuyển cử và cuộc Tổng tuyển cử thành công là một quyết định sáng suốt, kịp thời, nhạy bén chính trị và khoa học, thực tiễn sâu sắc. Thắng lợi đó đã khẳng định đường lối, chủ trương của Đảng ta đúng đắn, sáng tạo, thể hiện khát vọng được độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hoàn thành vai trò, sứ mệnh đối với đất nước, với nhân dân
Trong hành trình phát triển của đất nước, Quốc hội Việt Nam không chỉ đóng vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất, mà còn là biểu tượng cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Kể từ khi ra đời tới nay, Quốc hội Việt Nam đã hoàn thành vai trò, sứ mệnh của mình đối với đất nước, với nhân dân.
Quốc hội Việt Nam đã khẳng định Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri, luôn đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Việc gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm bắt đầy đủ, thấu hiểu sâu sắc tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của nhân dân, lắng nghe, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân là nhân tố quan trọng bảo đảm cho Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn, góp phần nâng cao uy tín, vai trò của Quốc hội, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ, đóng góp ý kiến xây dựng và củng cố niềm tin của cử tri, của nhân dân đối với Quốc hội.
Quốc hội không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, bám sát yêu cầu của thực tiễn, phản ánh chân thực tiếng nói, ý nguyện của cử tri và nhân dân. Ở mỗi nhiệm kỳ, Quốc hội ban hành khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc lập pháp, góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ bản bao phủ rộng khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tại các kỳ họp, Quốc hội khóa XV đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết (hơn 60 văn bản), trong đó có nhiều luật, nghị quyết quan trọng, như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ; các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố… Những văn bản này không chỉ hướng đến giải quyết những bất cập đã tồn tại nhiều năm, mà còn thúc đẩy minh bạch, hiệu quả trong quản lý kinh tế và xã hội.
Hoạt động giám sát của Quốc hội liên tục đổi mới và ngày càng có hiệu quả, xứng đáng với sự tin cậy của cử tri và nhân dân. Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đã tiến hành nhiều nội dung giám sát quan trọng, từ những vấn đề kinh tế vĩ mô đến các vấn đề cụ thể của đời sống xã hội. Cùng với những nội dung giám sát thường xuyên, Quốc hội đã chọn những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm để tiến hành giám sát tối cao, giám sát chuyên đề. Hoạt động chất vấn ngày càng trở thành điểm nhấn quan trọng của mỗi kỳ họp Quốc hội. Qua các phiên chất vấn cho thấy, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, "đúng" và "trúng" những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước và các đại biểu Quốc hội quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.
Quốc hội đã phát huy ngày càng tốt hơn vai trò quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại tất cả các lĩnh vực của đời sống nhằm mục tiêu phát triển bền vững kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền quốc gia; đồng thời thúc đẩy hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Nhìn lại chặng đường 79 năm qua, có thể khẳng định rằng với sự lãnh đạo của Đảng, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Quốc hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.
PHƯƠNG PHƯƠNG (nvsk.vnanet.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin