20:46, 20/12/2024

Hội nghị trực tuyến công tác ngoại giao kinh tế năm 2024

H.Đ

Chiều 20-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Cùng chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.  Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Lê Hữu Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Lê Hữu Hoàng tham dự tại điểm cầu Khánh Hòa.
Ông Lê Hữu Hoàng tham dự tại điểm cầu Khánh Hòa.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 của Việt Nam được đẩy mạnh một cách bài bản, quyết liệt, hiệu quả, với nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, tạo đột phá. Bên cạnh việc tiếp tục khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống, năm qua, công tác ngoại giao kinh tế được thúc đẩy tại các thị trường còn nhiều dư địa ở khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông - Châu Phi, Trung Đông Âu, đặt nền móng cho sự phát triển của đất nước trong những năm tiếp theo.

 

Năm 2024, hoạt động ngoại giao kinh tế được xem là điểm sáng nổi bật của tỉnh với nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2024, Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ Indonesia; hội nghị kết nối doanh nghiệp Khánh Hòa - Trung Quốc; làm việc với đoàn lãnh đạo tỉnh Hiroshima (Nhật Bản); tổ chức các đoàn công tác xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại tại Kazakhstan, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. 11 tháng năm 2024, Khánh Hòa đón hơn 4,2 triệu lượt khách quốc tế; thu hút được 15 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 10.725 tỷ đồng. Về xuất nhập khẩu, tỉnh có quan hệ thương mại với hơn 105 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đã được triển khai với tinh thần quyết liệt, chủ động, mở ra nhiều hướng đi mới, mang tính đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Những năm tới, đất nước tiếp tục bước vào kỷ nguyên vươn mình, tốc độ tăng trưởng về kinh tế năm 2025 đặt mục tiêu 8%, nhiều địa phương trên cả nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn trong điều hành, phát triển kinh tế, huy động mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài. Với quan điểm là đối tác tin cậy, có trách nhiệm với các quốc gia, đối tác trên toàn thế giới, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các nguồn lực bên ngoài, trọng tâm là vốn đầu tư, khoa học công nghệ, mô hình kinh tế hiệu quả, nguồn lực con người, quản trị thông minh…

H.Đ