20:47, 11/10/2024

Chung sức xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

G.Đ - H.L (lược ghi)

Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Khánh Hòa lần thứ 4 - năm 2024, một số sở, ngành, địa phương của tỉnh đã có các tham luận để làm rõ thêm những điểm nổi bật trong công tác dân tộc, việc thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2019 - 2024 và định hướng thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2029. Tham luận của các đơn vị đã nhấn mạnh việc chung sức cùng cả hệ thống chính trị tỉnh xây dựng vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh ngày càng phát triển.     

. Ông Nguyễn Văn Thiện - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh:

Thắt chặt khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh

Ông Nguyễn Văn Thiện - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh

Thời gian qua, quan điểm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được Đảng bộ, chính quyền, MTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện có hiệu quả. Nhờ vậy, cộng đồng 36 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn sinh sống hòa thuận, yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ nhau cùng phát triển; khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng được củng cố và tăng cường.

Để phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên sẽ tập trung đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Chú trọng xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín, già làng chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh, văn minh.      

Cùng với đó là triển khai, nâng cao chất lượng toàn diện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Đoàn kết sáng tạo”… nhằm phát huy tinh thần tự quản, đoàn kết của nhân dân, đồng bào các dân tộc. UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục tăng cường hướng dẫn, xây dựng và nhân rộng các mô hình và hoạt động tự quản trong cộng đồng, nhất là các mô hình tự quản về đảm bảo an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường, sản xuất, giúp nhau giảm nghèo bền vững… Tổ chức các hoạt động phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy chế giám sát và phản biện xã hội; quy định tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền…

. Ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đưa các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn về nông thôn mới

Ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tại Khánh Hòa, các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn các cấp, các ngành ưu tiên đầu tư từ nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2021 - 2025, trong số 92 xã trong toàn tỉnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có 26 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, gồm 12 xã ở huyện Khánh Vĩnh; 7 xã ở huyện Khánh Sơn; 3 xã ở huyện Cam Lâm, 2 xã ở thị xã Ninh Hòa; và 2 xã ở TP. Cam Ranh. Tính đến tháng 6-2024, vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh đã có 3/26 xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân chung trên địa bàn 26 xã là 13,6 tiêu chí/xã.

Để thực hiện mục tiêu đến hết năm 2025, có 11/26 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, 2/26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, rất cần sự chung tay, nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể người dân trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đồng hành cùng địa phương, tập trung các nguồn lực để triển khai hiệu quả công cuộc xây dựng nông thôn mới; trong đó, tiếp tục ưu tiên nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển các sản phẩm OCOP, nhất là ở các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, còn phối hợp hiệu quả với các sở, ngành, địa phương liên quan để thực hiện tốt những chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh nhằm chung sức xây dựng, phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, sớm đưa các xã đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới…

 . Ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS

Huyện Khánh Sơn có 13 thành phần dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào Raglai chiếm 73,4%, dân tộc Kinh chiếm 25,7%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác như Tày, Thái, Nùng, Ê đê, Thổ, Hoa, Chăm... Qua đó, đã bồi tụ nên bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là nền văn hóa Raglai độc đáo, đậm đà bản sắc. Trong những năm qua, công tác phục dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần tôn vinh, phát huy giá trị truyền thống, lòng tự hào dân tộc, cũng như vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn
Ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn

Từ nay đến năm 2030, huyện Khánh Sơn tiếp tục tăng cường thực hiện công tác phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai. Cụ thể, huyện sẽ phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào Raglai; hàng năm tổ chức lớp truyền dạy nhạc cụ đàn đá, mã la; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp) gắn với phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán tốt đẹp của DTTS trên địa bàn huyện; xây dựng Nhà trưng bày huyện Khánh Sơn để trưng bày hiện vật, cổ vật văn hóa nhằm phát huy tốt sản phẩm du lịch của địa phương và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Raglai… Cùng với đó, huyện duy trì tổ chức chương trình biểu diễn nhạc cụ đàn đá, mã la, các làn điệu dân ca, hát múa dân gian truyền thống tại nhà cộng đồng ở các thôn trên địa bàn huyện. Một nhiệm vụ quan trọng khác là thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số Raglai gồm chữ viết, trang phục truyền thống, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống. Huyện cũng sẽ chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực vận động nhân dân tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, nhân rộng các loại hình văn hóa truyền thống vào trong sinh hoạt cộng đồng.

G.Đ - H.L (lược ghi)