Gần 80 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị hợp tác toàn diện với Mỹ. Trong chừng ấy thời gian, Việt Nam luôn “Lấy tình người xóa đi khúc mắc” để khép lại quá khứ, hướng đến tương lai. Ngày 19-9-2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden mở đầu bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, ca ngợi Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Lấy tình người xóa đi khúc mắc
Không phải ngẫu nhiên mở đầu Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2-9-1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ: "Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 đến 11-9-2023. Ảnh: DƯƠNG GIANG/TTXVN |
Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm chính luận lớn, một áng văn lập quốc vĩ đại, mở đầu kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam. Thời điểm đó, Pháp, Anh là đồng minh của Mỹ đang chiếm đóng ở Việt Nam. Bác Hồ đã vừa khéo léo, vừa kiên quyết khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc ta bằng chính những lời lẽ được ghi trong bản Tuyên ngôn độc lập, từng làm vẻ vang cho truyền thống tư tưởng và văn hóa của dân tộc Mỹ.
Với một quốc gia vừa mới độc lập, phải đối mặt “thù trong giặc ngoài”, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách để giải quyết các vấn đề trong nước, đồng thời Người đưa ra giải pháp quan hệ ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của các nước. Chưa đầy 1 tháng sau khi tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đứng đầu Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman: “... Xét đến tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế của Việt Nam, thứ đến là mong muốn tha thiết - mà Việt Nam cảm nhận sâu sắc và đã chứng tỏ một cách nhất trí - được hợp tác với những nền dân chủ khác trong việc tạo lập và củng cố nền hòa bình và phồn vinh trên thế giới”.
Chỉ trong thời gian ngắn, Bác Hồ đã có 8 lần gửi điện, thư, công hàm đến Tổng thống Mỹ, đề nghị Mỹ có tiếng nói tại diễn đàn Liên hợp quốc về tình hình Việt Nam, bày tỏ lòng mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Trước mắt, Việt Nam hợp tác về văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật… với Mỹ. Ngày 16-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Mỹ có nội dung: “…Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”.
Cách nhìn nhận, đặt vấn đề và quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có lợi cho hòa bình thế giới, thể hiện qua tư tưởng ngoại giao của Người: "Việt Nam làm bạn với mọi nước dân chủ, không gây thù oán với ai... Lấy tình người xóa đi khúc mắc”. Thời kỳ chiến tranh, cả nước ta phải thắt lưng buộc bụng, quân ta ăn đói, nhưng những tù binh của Mỹ được ăn chế độ cao hơn, được đối đãi tử tế. Sau này, chính các thượng nghị sĩ Mỹ như: John McCain, John Kerry… từng là phi công của Mỹ bị bắn rơi máy bay ở miền Bắc Việt Nam có cảm nhận sâu sắc với nhân dân ta: “Lấy tình người xóa đi khúc mắc”. Suốt nhiều năm, 2 thượng nghị sĩ này đã rất nỗ lực hàn gắn, xây dựng mối quan hệ trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
Tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước
Nhờ quan điểm xuyên suốt “Lấy tình người xóa đi khúc mắc”, những năm qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng được củng cố, tăng cường: Năm 1995, Mỹ bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam; năm 2000 ký Hiệp định thương mại song phương; năm 2013 thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước; sau 10 năm nâng lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (năm 2023).
Để đạt được thành tựu như ngày hôm nay, không phải mọi chuyện trong quan hệ Việt - Mỹ lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, vì giữa hai nước có sự khác biệt về chế độ chính trị - xã hội, về những lợi ích cụ thể, về truyền thống văn hóa, kinh tế... Nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Lấy tình người xóa đi khúc mắc”, các nhà lãnh đạo của nước ta luôn tìm cách tháo gỡ những sự khác biệt giữa hai bên, với phương châm: Làm mọi việc có thể đem lại lợi ích cho nước mình, dân mình. Quan hệ Việt - Mỹ chỉ có thể tiến bước khi lợi ích hai bên song trùng. Muốn vậy, không có cách nào khác là thông qua đối thoại để tìm tiếng nói chung trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi.
Trước đây, khi đồng chí Vũ Khoan đang giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ, tôi từng phỏng vấn đồng chí về quan hệ Việt - Mỹ và được đồng chí kể câu chuyện đàm phán: “Chẳng bao lâu sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, hai nước đã bắt tay vào cuộc đàm phán về một Hiệp định thương mại song phương (BTA). Khi chuẩn bị, đoàn đàm phán của ta đã dành cho Mỹ sự ưu ái với đối tác lớn nên đã dự thảo một văn bản dài hơn các bản hiệp định thương mại “khung” với các nước khác. Đáp lại, phía Mỹ chuyển cho ta một dự thảo trên dưới 100 trang theo chuẩn của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thời điểm đó, tập thể Bộ Chính trị, Chính phủ thống nhất cao và chỉ đạo phải ký bằng được vì ký được với Mỹ sẽ ký được với tất cả các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới. Kết quả là sau các cuộc đàm phán cam go, chiều 13-7-2000, tôi và bà Barshefsky - đại diện thương mại Mỹ đã đặt bút ký Hiệp định thương mại song phương. Thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Mỹ chỉ đạt khoảng mấy trăm triệu USD thôi”.
Sau 23 năm, đến năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước Việt Nam và Mỹ đã đạt hơn 270 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 100 tỷ USD. Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm.
ĐÁNH DẤU MỘT KỶ NGUYÊN MỚI
Ngày 7-8-2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi thư chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thư có nội dung“… Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đánh dấu một kỷ nguyên mới của hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước. Tôi và Phó Tổng thống Harris mong đợi được làm việc với Tổng Bí thư Tô Lâm để tiếp tục thúc đẩy tiến trình lịch sử này, góp phần ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, độc lập, thịnh vượng và kiên cường".
HẢI LUẬN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin