Hội thảo là hoạt động để tưởng nhớ, tri ân công lao trời biển và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; khơi dậy ý chí, tinh thần quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có cán bộ, đảng viên các cơ quan Trung ương thực hiện thành công ước nguyện cao cả của Người.
Sáng 29/8, tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội), Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương (1969 - 2024)”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi lẵng hoa chúc mừng Hội thảo. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội Việt Nam tới dự và phát biểu tại Hội thảo.
Hội thảo khoa học “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương (1969 - 2024)”. |
Các đồng chí chủ trì Hội thảo: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Phạm Thanh Hà, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Chủ tịch nước.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban Đảng Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thành ủy Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Cộng sản; lãnh đạo Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh...
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Văn kiện lịch sử vô cùng quý giá
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ: Hội thảo là hoạt động để tưởng nhớ, tri ân công lao trời biển và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam; khơi dậy ý chí, tinh thần quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có cán bộ, đảng viên các cơ quan Trung ương thực hiện thành công ước nguyện cao cả của Người.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo. |
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô cùng quý giá ở tầm cương lĩnh của Đảng - một bảo vật quốc gia, kết tinh tình cảm và tâm huyết suốt cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp, tận trung Tổ quốc, với Đảng, tận hiếu với nhân dân; hội tụ trí tuệ lỗi lạc, thể hiện sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách mẫu mực, trái tim nhân ái bao la của một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng.
Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trước hết về Đảng ta - người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Để Đảng giữ vững và nâng cao vai trò, vị thế của một đảng lãnh đạo - cầm quyền, “là đạo đức, là văn minh”, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân và toàn dân tộc, Người nhấn mạnh việc trước tiên cần phải làm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Người nhắc nhở phải quán triệt, thực hiện thật tốt những quan điểm mang tính nguyên tắc: Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta…
Thấm nhuần sâu sắc triết lý trọng dân, gần dân trong truyền thống dân tộc, với tình cảm yêu thương, quý trọng vô bờ bến dành cho nhân dân, cho mỗi con người, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc toát lên những định hướng quan trọng về sứ mệnh của Đảng trước nhân dân: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Người yêu cầu Đảng, Nhà nước phải không ngừng quan tâm và có những chính sách cụ thể với thế hệ trẻ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, dân quân, du kích, thanh niên xung phong, các gia đình thương binh, liệt sĩ, phụ nữ, nông dân, và cả những nạn nhân của chế độ cũ... thể hiện sinh động và cụ thể bản chất nhân văn, tốt đẹp của chế độ xã hội mới.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đây chính là những tâm nguyện giản dị mà hết sức thiêng liêng, gần gũi mà vô cùng vĩ đại của Bác “sống như trời đất của ta”, tận tâm, tận lực và tận hiến cả cuộc đời cho độc lập, vinh quang của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của Nhân dân. "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đang diễn ra gay go, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đanh thép một niềm tin tất thắng của dân tộc: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Từ đó, Người đã phác thảo cương lĩnh xây dựng, đổi mới đất nước trong tương lai, với “kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, ... Củng cố quốc phòng” .
Là một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, với tình cảm quốc tế cao cả, vô tư, trong sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện niềm tự hào về sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; đồng thời, Người cũng rất đau lòng khi chứng kiến sự bất hòa giữa các đảng anh em; và để lại mong muốn: “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình” .
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Bao quát trong Di chúc vẫn là tình cảm cao đẹp, đạo đức trong sáng và nghĩa tình sâu nặng suốt đời vì nước, vì dân của Hồ Chí Minh – Người mà từ thủa thiếu niên cho đến lúc từ biệt thế giới này đã sống “một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ” . Một tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc đã trọn đời phấn đấu, hy sinh cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và sự tiến bộ của nhân loại, như lời của nhà thơ Tố Hữu: “Một đời thanh bạch, chẳng vàng son. Mong manh áo vải hồn muôn trượng. Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.”
Nguồn sáng dẫn đường, sọi rọi cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững vàng tiến bước trên hành trình cách mạng
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: 55 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn sáng dẫn đường, sọi rọi cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững vàng tiến bước trên hành trình cách mạng.
“Nhớ lời Di chúc theo chân Bác”, học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng với cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên các cơ quan Trung ương đã phát huy tinh thần yêu nước, chung sức, đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, có nhiều đóng góp cho công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Các ban, bộ, ngành, tổ chức đoàn thể ở Trung ương đã tích cực tham gia nghiên cứu, góp phần xây dựng và tổ chức thực hiện, cụ thể hoá đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng trong các lĩnh vực đời sống xã hội; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng bộ máy tổ chức các cơ quan trung ương trong sạch, vững mạnh; nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Các đại biểu xem cuốn sách "55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương (1969-2024)” trưng bày tại Hội thảo. (Ảnh: Văn Điệp/ TTXVN) |
Tại Hội thảo, với hơn 100 bài tham luận và các bài phát biểu đã tập trung phân tích, nghiên cứu về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những góc độ, khía cạnh hết sức đa dạng, nhiều chiều, xuất phát từ vị trí, lĩnh vực hoạt động, nghiên cứu khác nhau, làm sâu sắc thêm giá trị lịch sử, tầm vóc thời đại của bản Di chúc.
Các tham luận nêu bật những thành tựu, bài học kinh nghiệm qua 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương; làm rõ ý nghĩa định hướng trong Di chúc của Người đối với cách mạng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương.
Trong đó, các tham luận tại Hội thảo đã tập trung phân tích, thảo luận nhiều nội dung xoay quanh nội dung cán bộ, đảng viên các cơ quan Trung ương đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; khơi dậy sự tự hào, tự cường, tự lực và tự tin của nhân dân vào đường lối đúng đắn, sáng suốt của Đảng, vào mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ kính yêu và toàn thể dân tộc ta đã lựa chọn.
Đồng thời, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và những nhiệm vụ đột xuất được Đảng, Nhà nước giao.
Theo dangcongsan.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin