Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi được gặp các Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, nghe kể về những trận đánh ác liệt, những chiến công lẫy lừng đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Anh hùng Bo Bo Tới kể chuyện đánh giặc
Thấy đoàn cán bộ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Khánh Sơn đến thăm, Anh hùng LLVT nhân dân Bo Bo Tới (ở xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn) ra tận cổng đón, bắt tay rồi ôm chặt từng người. Năm nay đã bước sang tuổi 80, mái tóc bạc trắng nhưng anh hùng Bo Bo Tới còn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn, ánh mắt tinh anh…, vẫn giữ nét can trường của “cánh chim đại bàng giữa núi rừng Khánh Sơn” năm xưa đã khiến cho địch phải bao phen khiếp đảm. Nghe chúng tôi hỏi về quá trình tham gia cách mạng và những chiến công trong kháng chiến, anh hùng Bo Bo Tới nhấp ngụm trà thật đậm, trầm ngâm giây lát rồi bắt đầu kể chúng tôi nghe về những ký ức khó quên trong cuộc đời mình.
Anh hùng Bo Bo Tới (bên phải) trò chuyện với cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Khánh Sơn. |
Anh hùng Bo Bo Tới sinh ra và lớn lên ở xã Sơn Trung. Với lòng căm thù giặc giày xéo quê hương, năm 17 tuổi, chàng trai Bo Bo Tới xin làm liên lạc cho cơ quan Huyện ủy. Quen công tác giao liên, thạo đường đi, lại gan dạ hơn người nên Bo Bo Tới đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao; được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ Tiểu đội trưởng dân quân du kích, Xã đội phó, rồi Xã đội trưởng xã Sơn Trung. Trong những năm tháng đó, ông đã liên tiếp lập nhiều chiến công lẫy lừng.
Năm 1971, địch tập trung đánh phá Sơn Trung, hòng lập cứ điểm ở đồi Tà Nỉa, xây dựng sân bay trực thăng dã chiến. Ngày 10-5-1971, Bo Bo Tới cùng 5 du kích xã Sơn Trung đã tập kích trận địa địch, diệt 1 tiểu đội, làm bị thương một số khác, khiến địch hoảng sợ rút quân. 10 ngày sau, 2 đại đội thuộc Sư đoàn dù 101 Mỹ đổ bộ lên đồi Tà Nỉa, Bo Bo Tới và các du kích lại tập kích lần thứ 2. Lần này, Bo Bo Tới leo lên cây cao sử dụng trung liên phối hợp với đồng đội đồng loạt nổ súng vào sở chỉ huy địch, diệt 15 tên, số còn lại khiếp sợ rút lui. Dự đoán địch chưa từ bỏ ý đồ và sẽ quay lại chiếm đồi Tà Nỉa nên quân ta đã đào hầm chông, gài mìn trong sân bay, cắm chông xung quanh hàng rào sân bay để tạo cho địch một đòn bất ngờ. Và khi địch đổ bộ xuống đã bị trúng bẫy mìn, 2 máy bay và 30 tên địch bị tiêu diệt tại chỗ. Trong lần thứ 3 đổ quân xuống đồi Tà Nỉa, địch đã cho rà mìn sân bay nhưng không phát hiện được bẫy mìn Bo Bo Tới gài lại liền đáp xuống; kết quả 3 máy bay, 30 tên địch bị diệt. Với những chiến công lẫy lừng, cách đánh giặc sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân xã Sơn Trung, cùng ông Bo Bo Tới đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào năm 1976.
Chiến công của cựu chiến binh đặc công
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Quân (phường Phước Long, TP. Nha Trang) năm nay đã bước sang tuổi 78, nhưng dáng vẻ vẫn còn khá rắn rỏi, duy chỉ có trí nhớ bị giảm sút bởi di chứng vết đạn quân thù còn ghim trong đầu. Song ký ức về những trận chiến đấu anh dũng trong suốt cuộc đời tham gia kháng chiến chống Mỹ vẫn còn in đậm trong tâm trí ông.
Anh hùng Nguyễn Đức Quân kể về kỷ niệm những năm tháng đánh giặc với con, cháu. |
Anh hùng Nguyễn Đức Quân sinh ra và lớn lên ở tỉnh Phú Yên. Ông tham gia du kích từ khi mới 14 tuổi, rồi bảo vệ cảng Vũng Rô (Phú Yên), vào Đại đội Đặc công thuộc Trung đoàn Ngô Quyền, chiến đấu từ chiến trường Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ. Tham gia nhiều trận đánh, bị thương nhiều lần, nhưng trận đầu tiên ông kể chúng tôi nghe là trận chiến ở gò Thì Thùng (Phú Yên) vào năm 1966. “Khi Lữ đoàn dù 173 của địch dùng trực thăng đổ quân xuống, quân ta từ địa đạo Thì Thùng chui lên, bất ngờ đánh giáp lá cà. Quanh tôi, nhiều đồng đội hy sinh và bị thương. Riêng tôi cũng bị trúng mảnh pháo làm bể miếng sọ”, ông kể. Dù vết thương chảy nhiều máu, đầu óc choáng váng, song với tinh thần chiến đấu bất khuất, quyết không thể để địch chiếm lợi thế, ông đã tự xé vạt áo buộc lại vết thương rồi tiếp tục nhả đạn về phía địch. Đến năm 1969, trong trận chiến ở gần Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), đơn vị ông đối đầu với hơn 1.000 tên địch, 150 xe, pháo, ông bị gãy xương sườn, đứt 3 khúc ruột, bị thương một mắt, nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu tiêu diệt địch. Trận đó, ông được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất tại chiến trường. Đặc biệt, ngày 20-12-1971, ông vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Những cuộc đấu trí, đấu dũng cam go trên biển
Anh hùng LLVT nhân dân Phan Nhạn (quê tỉnh Bình Định; hiện nay ở phường Phước Long) tham gia du kích đánh Pháp từ năm 1950. Năm 1954, ông theo đoàn cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Đến năm 1962, ông được lựa chọn vào Đoàn tàu không số, làm nhiệm vụ máy trưởng. Là một máy trưởng giỏi, kiên cường, ông luôn được cấp trên tin tưởng lựa chọn đi những chuyến khó khăn, gian khổ và phức tạp nhất mở đường vào bến mới. Từ năm 1962 đến cuối năm 1968, ông đã tham gia 15 chuyến trên 7 con tàu không số theo đường Hồ Chí Minh trên biển, đưa vũ khí trang bị từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Với ông, mỗi chuyến tàu ngoài vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, còn là những cuộc đấu trí, đấu dũng cam go với địch. Tháng 10-1962, với vai trò máy trưởng, ông Nhạn lần đầu tiên tham gia chuyến tàu không số (là chuyến thứ 2 của Đoàn tàu không số), với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí trang bị vào mũi Cà Mau. Theo lịch trình xác định ban đầu, tàu sẽ đi lên đảo Hải Nam, vòng qua quần đảo Hoàng Sa rồi đi xuống về phía nam. Thế nhưng, khi ra khơi, tàu gặp phải đợt gió mùa Đông Bắc mạnh, sau 2 ngày thì máy vô tuyến điện không thể bắt liên lạc được nữa, đồng thời cũng không thể theo lịch trình đã xác định do sóng to, gió lớn. “Gặp tình thế mất liên lạc giống như người mù mà không có gậy, chi bộ đã thống nhất quyết định đi theo đường gần bờ. Cứ như thế, vừa đi vừa lần mò, cuối cùng sau hơn 8 ngày, tàu của chúng tôi cũng vào đến nơi, trả hàng an toàn. Dù vào trễ 2 ngày theo dự kiến song 9 cán bộ, đảng viên trên tàu ai nấy đều mừng rơi nước mắt, nhất là khi nghe người chỉ huy tại điểm nhận hàng nói: “Theo dự kiến, 6 ngày các anh sẽ vào đến nơi, nhưng chúng tôi ra đón không thấy. 2 ngày nay, anh em chúng tôi lo lắng các anh gặp chuyện chẳng lành. Nhân dân miền Nam, quân giải phóng miền Nam biết ơn các anh nhiều lắm!”, ông Nhạn kể.
Anh hùng Phan Nhạn kể về chiến công trên những chuyến tàu không số với phóng viên. |
Đến năm 1966, trong chuyến đi của tàu 41 xuất phát ngày 22-11 tại Hải Phòng, chở vũ khí vào Bến Ngang (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Đến đêm 27-11, tàu cập bến trả hàng, khi thả được 2/3 số hàng thì gặp 2 tàu địch đi tuần. Theo mật báo, tàu ta đã bị địch phát hiện, chúng đợi trời sáng sẽ tấn công. Trong tình thế đó, thuyền trưởng lệnh cho thủy thủ đoàn lên bờ, một mình ở lại để hủy tàu và lên bờ cuối cùng. Song, với tinh thần dũng cảm, ông Nhạn đã xung phong ở lại để hoàn tất nhiệm vụ cuối cùng và nhận nhiệm vụ sẵn sàng điểm hỏa tức thì khi cần thiết. Ông Nhạn đã tính toán chọn giờ nổ tàu hợp lý và lên bờ an toàn, bộc phá phát nổ đã phá hủy toàn bộ con tàu, đồng thời làm bị thương nặng một tàu địch. "Cuối năm 1968, lệnh của trên điều 4 tàu xuất phát trong đêm, trong đó tôi đi trên 1 tàu vào Bình Định. Đây là chuyến cuối cùng tôi tham gia và cũng là chuyến khó quên nhất vì trên hải trình đã gặp phải tình thế ngàn cân treo sợi tóc”, ông Nhạn tiếp tục câu chuyện. Khi con tàu của ông ra khơi thì phát hiện 4 chiếc máy bay địch bám theo. Tàu của ông nhận được lệnh mở đường chạy theo hướng sang Singapore nhằm đánh lạc hướng địch. Tuy nhiên, sau đó không lâu, địch lại điều 7 chiếc tàu bám theo con tàu của ông, liên tục phát loa yêu cầu tắt máy dừng tàu để chúng kiểm tra, rồi bắn pháo sáng, bắn súng máy xung quanh tàu mình, nhưng con tàu của ông Nhạn và đồng đội vẫn tiếp tục chạy. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ thì bọn chúng rút đi. “Thế nhưng, tiếp đó, địch lại điều 4 chiếc tàu chiến của Hạm đội 6 bám theo với đội hình mỗi bên 2 chiếc kẹp tàu mình ở giữa. Chúng liên tục yêu cầu mình dừng nếu không nó bắn, nhưng mình cứ coi như không nghe thấy. Chúng dùng súng máy 14,5 ly bắn xung quanh tàu mình chứ không bắn trúng tàu, nhưng mình dứt khoát không bắn trả. Trong tình thế này, chúng tôi xác định sẵn sàng hy sinh, đã cài sẵn hơn 1 tấn thuốc nổ ở 5 vị trí trên tàu, chỉ đợi đội hình tàu địch áp sát sẽ cho nổ tàu hy sinh và có thể gây được thiệt hại cho chúng. Thế nhưng, rất may là đến khoảng 5 giờ sáng, đội hình tàu địch đã quay đầu không còn bám theo nữa. Chúng tôi tiếp tục chạy vào đảo Hải Nam an toàn, rồi sau đó chở hàng về lại Đồ Sơn (Hải Phòng). Trong lần giáp mặt này với địch, suốt 7 giờ, bọn chúng giở đủ trò, nếu mình sơ hở một tích tắc, bắn trả hoặc chạy chệch hướng là tiêu với chúng nó ngay!”, ông Nhạn nói về cuộc đấu trí, đấu dũng với địch. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 25-4-2015, ông Phan Nhạn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
THẾ ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin