21:13, 13/04/2024

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm khắc phục sạt lở tại hầm đường sắt Đèo Cả

VĂN KỲ

Ngày 13-4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 37 gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về đảm bảo an toàn, thông suốt trong quá trình khai thác đối với vận tải đường sắt tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.

Bên trong hầm đường sắt Bãi Gió
Bên trong hầm đường sắt Bãi Gió
Đất đá sạt lở làm tắc hầm
Đất đá sạt lở làm tắc hầm.

Theo công điện, hầm Bãi Gió được xây dựng trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh từ thời Pháp với tuổi thọ gần 100 năm. Việc có nguy cơ xảy ra sạt lở hầm đã được nhận định, dự báo, đánh giá từ trước. Vào lúc 12 giờ 45 phút ngày 12-4, khi đang trong quá trình sửa chữa, hầm đường sắt Bãi Gió (tại khu vực Đèo Cả, thuộc địa phần xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh) đã xảy ra sạt lở đất đá trên đỉnh hầm làm ách tắc vận tải đường sắt. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 85, các nhà thầu thi công và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp, huy động các nguồn lực thi công xuyên đêm để khắc phục trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, do hầm Bãi Gió xuống cấp nghiêm trọng, điều kiện địa chất phức tạp, mặt bằng thi công hạn chế, đến nay mới khắc phục được vị trí sạt lở đầu tiên, chưa khắc phục xong vị trí sạt lở thứ 2.

Công nhân đang hàn khung đỡ mái hầm
Công nhân đang hàn khung đỡ mái hầm.

Để đảm bảo an toàn, thông suốt trong quá trình khai thác đối với vận tải đường sắt tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo Chủ đầu tư dự án và các cơ quan trực thuộc huy động tối đa tất cả các nguồn lực để khắc phục kịp thời sự cố sạt lở hầm Bãi Gió, khẩn trương thông tuyến trong thời gian sớm nhất; đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công, cũng như trong quá trình khắc phục sự cố. Chủ tịch UBND các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bảo đảm các điều kiện an toàn về phương tiện, kết cấu hạ tầng giao thông trong quá trình thực hiện chuyển tải qua đoạn ách tắc do sự cố sạt lở hầm Bãi Gió. Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với chủ đầu tư dự án huy động lực lượng tại chỗ để khẩn trương khắc phục sự cố; bố trí phương tiện, cơ sở vật chất để phục vụ tốt cho nhân dân trong thời gian thực hiện chuyển tải.

Công nhân vận chuyển khung sắt vào để gia cố mái hầm
Công nhân vận chuyển khung sắt vào để gia cố mái hầm.
Lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết giao thông, yêu cầu phương tiện có trọng tải lớn không đi qua Đèo Cả
Lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết giao thông, yêu cầu phương tiện có trọng tải lớn không đi qua Đèo Cả.

Chiều cùng ngày, ông Lê Quang Vinh - Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, đến nay đã có hơn 200 công nhân, 2 đoàn tàu, 4 máy loại nhỏ đưa vào hầm nhằm khắc phục sự cố sạt lở. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là tầng đất đá lâu năm đã bị phong hóa nên rơi tự do làm hỏng mái hầm. Đơn vị thi công đã làm mái vòm bằng sắt đỡ mái hầm để chống sạt lở, bơm bê tông lên mái, cố gắng khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng túc trực trên Quốc lộ 1 để điều tiết giao thông, không cho các xe trọng tải lớn đi lên đèo Cả để hạn chế rung lắc, giảm áp lực cho vỏ hầm (do hầm nằm dưới quốc lộ 1).

Hành khách xuống tàu tại Ga Giã để lên ô tô trung chuyển tới Ga Tuy Hòa tiếp tục hành trình
Hành khách xuống tàu tại Ga Giã để lên ô tô trung chuyển tới Ga Tuy Hòa tiếp tục hành trình

Được biết, hầm Bãi Gió được xây dựng năm 1930, khánh thành năm 1936, vỏ hầm làm bằng bê tông, dài hơn 400 mét, cao 5 mét, rộng 4 mét.

 

VĂN KỲ