20:22, 29/03/2024

Nguồn nhân lực - động lực cho sự phát triển

NGUYỄN VŨ - VĂN GIANG

Sáng 29-3, diễn đàn chính sách địa phương năm 2024 do UBND tỉnh Khánh Hòa lần đầu tiên tổ chức đã tập trung được nhiều ý kiến góp ý quanh chủ đề: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho Khánh Hòa. Diễn đàn do các ông: Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì. Diễn đàn có sự tham gia của hơn 100 chuyên gia, lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố: Đắk Lắk, Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh; các trường, các tập đoàn, doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư…

Chủ trì diễn đàn.
Chủ trì diễn đàn.

Chuyển dịch tích cực, nhưng còn điểm nghẽn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh, không riêng Khánh Hòa, các địa phương đều coi nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực là một trong các vấn đề quyết định cho sự phát triển của địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo” là 1 trong 4 đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Những năm qua, việc thực hiện các chính sách trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển nguồn nhân lực, cung cấp nguồn lao động có trình độ cao nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tỉnh. Vì vậy, cần có những hướng đi mới trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Toàn phát biểu kết luận.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Toàn phát biểu kết luận.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân phát biểu khai mạc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thiệu phát biểu đề dẫn.

Tại diễn đàn, các đại biểu thống nhất với nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dẫn tới nhiều ngành sản xuất, phương thức sản xuất, nhiều nhân công sẽ phải thay đổi; những ngành nghề mới, yêu cầu về nguồn nhân lực mới sẽ ra đời và phát triển. Địa phương nào sẵn sàng đáp ứng sự thay đổi đó thì sẽ tận dụng được lợi thế, ngược lại sẽ ở lại phía sau.

Tại diễn đàn, TS. Đinh Công Khải – Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) đã nhấn mạnh việc kết nối hạ tầng giao thông giữa Khánh Hòa với vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ, tạo tiền đề để phát triển các dịch vụ logistics, kinh tế biển, và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều thách thức. TS. Đinh Công Khải đã nêu ra các điểm nghẽn của lực lượng lao động tỉnh Khánh Hòaà theo thời gian và trong mối tương quan giữa Khánh Hòa với vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam Bộ như: Chi cho giáo dục và đào tạo tại tỉnh còn thấp; Doanh nghiệp tại tỉnh chưa có chính sách đào tạo lao động, tỷ lệ chi đào tạo lao động trong tổng chi còn thấp; Chưa đầu tư xây dựng hiệu quả các cơ sở đào tạo dành cho lao động có tay nghề, lao động chuyên môn bậc trung và bậc cao; Chính sách thu hút lao động chưa hiệu quả, khả năng đáp ứng nhu cầu về thu nhập còn thấp; Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Khánh Hòa được xếp vào nhóm thu nhập trung bình, nên tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặt khác, các chính sách thu hút người giỏi, người tài, lao động có kỹ năng cũng chưa thực sự hiệu quả để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển hiện nay của tỉnh. 

PGS. TS Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Nha Trang đưa ra những thông tin phấn khởi: Với 36 ngành đào tạo trên nhiều lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, du lịch, công nghệ, kỹ thuật, thủy sản…, Trường Đại học Nha Trang có thể tham gia sâu và góp phần quan trọng trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả 3 định hướng “nền tảng, đột phá và mũi nhọn”. Năm 2024, trường mở thêm 4 ngành đào tạo mới gồm: Kỹ thuật biển, Kỹ thuật chế tạo, Khoa học máy tính, Kiểm toán; mở mới chuyên ngành Khoa học dinh dưỡng và ẩm thực; định hướng phát triển các ngành chăm sóc sức khỏe chất lượng cao phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trường cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Khánh Hòa trong việc lập Đề án đầu tư nâng cấp trường thành đại học vùng. Theo PGS.TS Mạc Văn Tiến - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục và Quản lý kinh tế, những năm qua, cơ cấu lao động của Khánh Hòa chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với cơ cấu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, lao động phi chính thức vẫn chiếm tỷ lệ cao; việc cung ứng nhân lực chất lượng cao của các ngành mũi nhọn còn hạn chế; công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động chưa đáp ứng được nhu cầu…

Ông Đinh Văn Thiệu nhìn nhận, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh ngày càng được nâng cao cả về trình độ chuyên môn và năng lực quản lý, điều hành. Tỉnh đã huy động được sự tham gia của các cấp, ngành và DN vào quá trình phối hợp đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực; tỷ lệ lao động qua đào tạo và lao động có bằng cấp chứng chỉ tăng hàng năm. Tuy nhiên, công tác đào tạo phát triển nhân lực phục vụ khu vực sản xuất, kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động về số lượng lao động được đào tạo, cơ cấu ngành nghề đào tạo, cơ cấu trình độ đào tạo. Công tác liên kết, phối hợp giữa cơ sở đào tạo với DN ở nhiều đơn vị vẫn chưa chặt chẽ, thiếu chiều sâu. Tỉnh cũng chưa có chính sách thu hút nhân tài đủ mạnh để tuyển dụng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao về làm việc lâu dài tại địa phương; chưa có các chính sách đặc thù của địa phương hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa cho đào tạo nguồn nhân lực...  

Nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Các đại biểu cho rằng, để phát triển nguồn nhân lực, tỉnh cần triển khai đồng loạt nhiều nhóm chính sách, trên nhiều lĩnh vực, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, quan tâm giải quyết về nhu cầu lao động và vấn đề đặt hàng đào tạo; thu hút nhân lực chất lượng cao; ưu tiên thu hút và đào tạo chuyên sâu với nhân lực ngành nghề trọng điểm; có chính sách hỗ trợ đào tạo để thu hút người học vào các ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xã hội hóa giáo dục - đào tạo và dạy nghề; huy động DN tham gia đào tạo nhân lực; phát triển lao động có chất lượng của các tập đoàn, DN; đẩy mạnh hợp tác đào tạo; tăng cường quan hệ phối hợp giữa Nhà nước, DN và cơ sở đào tạo. Các chính sách đào tạo nghề, chuyển đổi nghề phải gắn với việc làm bền vững và thực hiện cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các đơn vị khối sản xuất, kinh doanh. Trong từng lĩnh vực cụ thể, cần chú ý nguồn nhân lực tại chỗ; vấn đề hợp tác đào tạo; phối hợp đào tạo nghề trong DN để phát triển đội ngũ lao động có tay nghề cao với việc làm bền vững; chuyển đổi ngành nghề tạo sinh kế mới cho lực lượng lao động khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai các dự án trên địa bàn.

Quang cảnh diễn đàn.
Quang cảnh diễn đàn.

Theo PGS.TS. Mạc Văn Tiến, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số phục vụ phát triển kinh tế biển và các nhóm ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, bao gồm các chính sách tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó, tập trung vào việc rà soát, lên kế hoạch triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách trong quy hoạch chung của tỉnh liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề; xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực trung và dài hạn của tỉnh đảm bảo cân đối về nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn; đánh giá, chỉ ra được nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu, trình độ nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực, vùng miền; hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh những ngành, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế. Đồng thời, cần xác định hệ thống mạng lưới giáo dục nghề nghiệp có phân tầng, phân cấp; quy định trách nhiệm của DN trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, trong đó có đào tạo, đào tạo lại cho người lao động; hoàn thiện các quy định để DN thực sự là một trong các chủ thể của đào tạo nhân lực; xây dựng các chế độ, chính sách đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tới làm việc tại Khánh Hòa. Cần tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Mặt khác, đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng như hoạt động tư vấn, giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào hệ thống đào tạo nghề; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá nguồn nhân lực, từ đó rà soát, sắp xếp nhân lực hiệu quả nhất. Đồng thời, cần có chế độ đảm bảo tiền lương, thu nhập; cải thiện điều kiện làm việc, môi trường làm việc...

Cán bộ, công chức, nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh luôn xác định lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là mục tiêu phục vụ của mình.
Cán bộ, công chức, nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh luôn xác định lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là mục tiêu phục vụ của mình.

Có thể nói, những giải pháp hữu ích được đưa ra tại diễn đàn sẽ góp phần tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh trong tương lai.

Ông NGUYỄN KHẮC TOÀN - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Việc thu hút và duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc tại địa phương (nhất là nhân lực nhóm ngành du lịch, y tế, công nghiệp, quản lý đô thị, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ xanh...) đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của tỉnh trong tương lai. Đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổng hợp các ý kiến tại diễn đàn; đề xuất tham mưu phương án, cơ chế, chính sách thu hút, phát triển nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực phụ trách. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, xây dựng, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, nguồn lực để phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian tới, đảm bảo thông thoáng, khả thi, đúng quy định của pháp luật, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, định hướng phát triển của tỉnh, gắn với nhu cầu thị trường, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 899, ngày 31-7-2023 phê duyệt “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Kết luận số 541, ngày 5-2-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07, ngày 11-1-2021 của Tỉnh ủy về Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung xây dựng, phát triển các chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao (nhất là về du lịch, y tế, chuyển đổi số); hỗ trợ chuyên gia chuyển giao kỹ thuật, công nghệ; hỗ trợ đào tạo lao động trong DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu, phân tích thị trường lao động địa phương, từ đó cung cấp thông tin dự báo, định hình chính sách, chương trình đào tạo sát nhu cầu thực tế. Xây dựng cơ chế đặt hàng đào tạo ngành nghề phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển của tỉnh; tăng cường nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực phục vụ tiến trình chuyển đổi số của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN, theo phương châm gắn kết Nhà nước - nhà trường - nhà DN...

---------

Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 692.825 người trong độ tuổi lao động. Cơ cấu lao động nhóm ngành kinh tế: Nông - lâm - thủy sản 29,7%; công nghiệp - xây dựng 22,8%; thương mại - dịch vụ 47,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 83%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29,7%. Trên địa bàn tỉnh có 4 trường đại học với tổng cộng 18.587 sinh viên đang theo học. Toàn tỉnh hiện có 35 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Từ năm 2021 đến cuối năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh đào tạo cho 89.105 người, trong đó trình độ cao đẳng (29 nghề) và trung cấp (30 nghề) 16.852 người, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên (62 nghề) 72.253 người.

NGUYỄN VŨ - VĂN GIANG