Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 12, các đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa đã nghe báo cáo kết quả giám sát các chuyên đề: “Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 đến tháng 9-2023”; “Kết quả thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh”. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn các vị trong Thường trực HĐND tỉnh về một số vấn đề đáng chú ý sau giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh trong năm 2023.
Còn nhiều tồn tại trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Ông Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát của HĐND tỉnh về chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 đến tháng 9-2023” cho biết:
Ông Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh. |
- Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng ĐBDTTS và miền núi trong tỉnh, gồm: Phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng ĐBDTTS và miền núi, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện theo kế hoạch, mục tiêu đề ra, đảm bảo các quy định của pháp luật. Tại các vùng ĐBDTTS và miền núi trong tỉnh, các chương trình đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ, hợp tác của các tổ chức, đơn vị, người dân. Bước đầu đã ghi nhận những kết quả khả quan, như: Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp và làm mới tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa, sản xuất có hiệu quả; chất lượng giáo dục và đào tạo nâng lên; hoạt động văn hóa, thể thao phát triển; việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được quan tâm. Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo là ĐBDTTS được thực hiện kịp thời; nhận thức của ĐBDTTS được nâng lên, chủ động vươn lên thoát nghèo; cảnh quan, môi trường ngày càng cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang; hệ thống chính trị được củng cố, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được ổn định… Tuy nhiên, qua giám sát, chúng tôi nhận thấy, trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại các vùng ĐBDTTS và miền núi trong tỉnh đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
- Những vấn đề đó là gì, thưa ông?
- Đoàn giám sát nhận thấy, quá trình thực hiện các chương trình ở vùng ĐBDTTS và miền núi còn một số hạn chế như: Đến nay, đã hơn nửa giai đoạn thực hiện các chương trình nhưng còn một số dự án, tiểu dự án chưa triển khai được; một số dự án, tiểu dự án đến thời điểm tháng 9-2023 kết quả thực hiện còn thấp. Cụ thể như: Dự án 3 - Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; tiểu dự án 3 thuộc Dự án 4 - Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng ĐBDTTS và miền núi thuộc chương trình giảm nghèo bền vững hay như Dự án 3 - Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư thuộc Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi... Ngoài ra, các địa phương vẫn còn lúng túng trong triển khai thực hiện một số dự án, tiểu dự án của các chương trình. Việc tham mưu, ban hành các văn bản theo thẩm quyền của UBND tỉnh chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình. Đến hết tháng 9-2023, kết quả thực hiện 3 chương trình có tỷ lệ giải ngân mới đạt hơn 50%, trong đó tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp đạt dưới 10% nên đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện một số nội dung, dự án, tiểu dự án. Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt nội dung của các chương trình ở một số địa phương chưa làm thay đổi nhận thức dẫn đến hành động của người dân, từ đó việc huy động sức dân tham gia thực hiện các chương trình chưa cao. Đơn cử như Chương trình xây dựng nông thôn mới; công tác giao khoán bảo vệ rừng thuộc Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi… Một số nội dung mặc dù các cơ quan chủ trì đã hướng dẫn, tổ chức tập huấn song việc nắm bắt, triển khai ở một số địa phương còn chậm; công tác kiểm tra, đôn đốc của một số sở, ban, ngành đôi khi chưa kịp thời; sự phối hợp triển khai giữa các cấp, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ…
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã chỉ ra những mặt tồn tại, nguyên nhân của các hạn chế của từng chương trình, từ đó có ý kiến, kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, UBND tỉnh nhằm thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại các vùng ĐBDTTS và miền núi trong tỉnh.
- Xin ông cho biết những kiến nghị của đoàn giám sát đối với UBND tỉnh nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia tại các vùng ĐBDTTS và miền núi trong tỉnh?
- Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan rà soát và nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì các chương trình mục tiêu quốc gia trong việc tham mưu thực hiện các nhiệm vụ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình; rà soát, khẩn trương tham mưu các văn bản triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần đã có văn bản hướng dẫn bổ sung của Trung ương, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung này nhằm đảm bảo tiến độ, mục tiêu các chương trình đề ra. UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo bám sát văn bản hướng dẫn của Trung ương để tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Dự án 5 - Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi; chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương triển khai thực hiện tiểu dự án 2 của Dự án 3 - Cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ cơ sở, người dân, nhất là ĐBDTTS để họ tích cực tham gia và có trách nhiệm trong thực hiện các chương trình. Các địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong điều hành, quản lý, theo dõi, kiểm tra tiến độ triển khai, phản ánh những khó khăn, vướng mắc đến cấp có thẩm quyền để kịp thời xem xét, tháo gỡ; việc triển khai các chương trình tại các địa phương phải đảm bảo đúng mục tiêu, tránh tình trạng đầu tư kém hiệu quả, đầu tư dàn trải…
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
THANH LONG (Thực hiện)
Nhu cầu bố trí tái định cư của các dự án rất lớn
Bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát của HĐND tỉnh về chuyên đề “Kết quả thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023” cho biết:
Bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. |
Trong giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh có 237 dự án được triển khai, tổng diện tích đất thu hồi là 918,16ha; với tổng số 13.109 trường hợp thu hồi đất. Qua giám sát nhận thấy, UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn, các địa phương đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan, kịp thời xử lý nhiều vướng mắc, tồn tại trong công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án; phát huy tốt các nguồn lực xã hội từ các nhà đầu tư để xây dựng quỹ đất ở phục vụ TĐC, hạn chế phát sinh tạm cư kéo dài, đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ liên quan đến việc xem xét bồi thường, hỗ trợ, TĐC; xác định đơn giá đất tính bồi thường; chính sách hỗ trợ chủ yếu thực hiện việc chi trả bằng tiền, chưa có giải pháp cụ thể để người dân ổn định đời sống, chuyển đổi nghề phù hợp, nhất là các hộ bị thu hồi hết đất nông nghiệp. Một số dự án ngoài ngân sách, chủ đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ trong công tác tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai; quỹ đất TĐC, nhất là ở địa bàn TP. Nha Trang ngày càng hạn hẹp, không đủ bố trí cho toàn bộ các dự án trên địa bàn thành phố…
- Xin bà cho biết cụ thể hơn những khó khăn trong việc bố trí TĐC cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án?
- Luật Đất đai năm 2013 quy định, trường hợp người có đất bị thu hồi không còn nơi ở nào khác thì được bố trí TĐC và ưu tiên bố trí TĐC tại chỗ; nếu tiền bồi thường không đủ để đóng tiền sử dụng đất cho một suất đất TĐC tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền để đảm bảo có một suất đất TĐC tối thiểu. Qua giám sát, chúng tôi nhận thấy, quỹ đất TĐC trên địa bàn tỉnh hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu hộ dân bị ảnh hưởng bởi giải tỏa, nhiều khu TĐC chưa đáp ứng điều kiện về vị trí tương đương với vị trí bị giải tỏa của các hộ dân, nhất là ở các dự án trên địa bàn TP. Nha Trang; không có nhiều khu TĐC, nhiều loại hình TĐC để lựa chọn. Ở các huyện, một số khu TĐC được lập cho một dự án để người TĐC được lựa chọn, chưa có nhiều khu TĐC lập cho nhiều dự án; một số khu TĐC chưa xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của địa phương… Rất nhiều dự án trên địa bàn tỉnh vì chưa có quỹ đất TĐC nên chưa trình được phương án giá bồi thường và giá đất TĐC cùng một thời điểm theo quy định.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh phát sinh nhiều đơn, thư liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC, nhất là địa bàn TP. Nha Trang có khoảng 97,8% đơn, thư tiếp nhận liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, TĐC. Điều này cho thấy, công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất là vấn đề quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, rất phức tạp, nhạy cảm và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có đất bị thu hồi.
- Đoàn giám sát có những kiến nghị cụ thể gì đối với UBND tỉnh nhằm thực hiện hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC, thưa bà?
- Hiện tỉnh đang trong thời kỳ đô thị hóa mạnh mẽ, nhiều dự án đang được triển khai phải thực hiện đồng thời việc thu hồi đất, nhu cầu quỹ đất, nhà ở TĐC để bố trí TĐC cho các trường hợp bị giải tỏa rất lớn. Để giải quyết vấn đề này, đoàn giám sát kiến nghị UBND tỉnh: Chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các chính sách, quy định trong bồi thường, hỗ trợ, TĐC; công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo đồng thuận cao trong nhân dân; do quỹ đất TĐC hiện không đáp ứng đủ nhu cầu nên bên cạnh việc TĐC bằng đất ở, UBND tỉnh nghiên cứu, ban hành chính sách bố trí TĐC bằng nhà ở cho các trường hợp đủ điều kiện. Bên cạnh đó, cần chủ động xây dựng, hoàn thiện các khu TĐC trước khi triển khai thu hồi đất thực hiện các dự án; cập nhật hồ sơ địa chính, dữ liệu đất đai đầy đủ, kịp thời, chính xác để quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn tỉnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thu hồi đất, hỗ trợ, TĐC, giải quyết kịp thời các đơn, thư của người dân liên quan đến vấn đề này; nghiên cứu cơ chế khuyến khích các chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước tự nguyện hỗ trợ thêm cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh…
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
HẢI LĂNG (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin