Tại Kỳ họp thứ 6 tới đây, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật Căn cước. Đây là dự thảo luật nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và dư luận. Để cử tri và nhân dân có thêm thông tin về dự thảo Luật Căn cước, Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn Tiến sĩ Luật học Lê Xuân Thân - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về một số nội dung của dự thảo luật.
Tiến sĩ Luật học Lê Xuân Thân - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội |
- Xin ông cho biết sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014?
- Việc sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 thành Luật Căn cước 2023 để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về căn cước nhằm tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta. Qua đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu quốc gia về dân cư; bổ sung một số trường thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch; quy định về căn cước điện tử. Mặt khác, việc đổi mới công tác quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân vào công tác quản lý nhà nước để đem lại nhiều lợi ích cho người dân là yêu cầu cấp thiết và rất thiết thực.
- Dự thảo Luật Căn cước lần này có những nội dung gì chính, thưa ông?
- Dự thảo Luật Căn cước trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 có 7 chương và 46 điều, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như sau: Về tên gọi của luật, việc đổi tên thành Luật Căn cước sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với các chính sách dự kiến đề xuất bổ sung khi lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật; phản ánh đúng, đủ bản chất căn cước, căn cước điện tử, đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước cả về trước mắt cũng như lâu dài, phục vụ công tác quản lý nhà nước, quản lý công dân, bảo vệ con người. Ngoài ra, việc thay đổi tên luật thành Luật Căn cước không phát sinh việc sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý các luật, pháp lệnh, nghị quyết khác của Quốc hội và quyền lợi của người dân vì đã có điều khoản chuyển tiếp trong việc thực hiện luật.
Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước: Theo quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 thì thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có 15 nhóm thông tin, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân có 23 nhóm thông tin. Còn theo quy định của dự thảo luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới đây, thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có 26 nhóm thông tin; trong Cơ sở dữ liệu căn cước có 23 nhóm thông tin. Để triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) thì việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước là rất cần thiết.
Về thẻ căn cước: Thẻ căn cước theo quy định của dự thảo luật có một số nội dung khác với quy định tại Luật Căn cước công dân 2014 như sẽ lược bỏ vân tay, thay đổi quê quán thành nơi sinh. Dự thảo luật đã bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định vào thẻ căn cước gồm thông tin về: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp. Các thông tin này được mã hóa, tích hợp trong bộ phận lưu trữ của thẻ căn cước. Việc sử dụng các thông tin tích hợp từ thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác.
- Xin ông cho biết những vấn đề mà ông quan tâm đối với dự án Luật Căn cước lần này?
- Đối với dự thảo Luật Căn cước lần này, tôi quan tâm về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tính khả thi… Cho tới nay, dự thảo luật đã thể hiện sự tương đồng với pháp luật của nhiều nước trên thế giới, nhất là các quốc gia phát triển và phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013.
Hiện nay, công dân có nhiều loại giấy tờ khác nhau do cơ quan nhà nước cấp gây khó khăn nhất định cho công dân trong bảo quản, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta. Do vậy, việc dự thảo Luật Căn cước bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước; thẻ căn cước có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước sẽ giúp giảm giấy tờ, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.
Ngoài ra, dự thảo Luật Căn cước đã bổ sung đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Đây là một nội dung mới trong dự thảo luật. Người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam là vấn đề đã tồn tại lâu nay ở nước ta, do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến lịch sử, chiến tranh, di cư... nhưng chưa có bất kỳ một văn bản luật nào giải quyết cơ bản, đầy đủ về vấn đề này. Họ là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và phải được Nhà nước, xã hội thừa nhận. Họ có quyền tham gia giao dịch trong xã hội nhưng do họ không có giấy tờ gì, chưa xác định được quốc tịch Việt Nam, không hộ chiếu, không căn cước nên thực tiễn rất khó khăn trong quản lý, hạn chế rất nhiều trong việc sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh, tìm kiếm việc làm, học tập, hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội. Cũng cần phải nói thêm rằng, họ là đối tượng chỉ được cấp giấy chứng nhận căn cước chứ không phải cấp thẻ căn cước như đối với công dân Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!
VŨ NGUYÊN (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin