Từ ngày 28 đến 30-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã triệu tập Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4 của nhiệm kỳ khóa XV nhằm thảo luận cho ý kiến về một số dự án luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 6. Trao đổi với Báo Khánh Hòa những thông tin về hội nghị này, ông Lê Hữu Trí - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết:
- Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4 của nhiệm kỳ khóa XV đã xem xét cho ý kiến về 8 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới gồm: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Đây đều là những dự án luật rất quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và đại biểu Quốc hội, có nhiều quy định mới, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội, phát triển kinh tế.
Ông Lê Hữu Trí - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
- Hiện nay, rất nhiều cử tri quan tâm đến Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Ông có thể cho biết thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại hội nghị này?
- Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đã được thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Qua đó, đã có 151 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu (trong đó có 130 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, 17 ý kiến phát biểu và 4 ý kiến tranh luận tại hội trường). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành luật; đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo luật và góp ý nhiều vấn đề cụ thể.
Đối với các nội dung đã được tiếp thu và trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này có một số nội dung nổi bật, cụ thể: Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10 dự thảo Luật Chính phủ trình) và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16 dự thảo Luật Chính phủ trình), để có căn cứ thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, bảo mật cơ sở dữ liệu, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, chỉnh lý khoản 4 Điều 10 dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý. Ngoài ra, cơ quan thẩm tra kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư, tăng cường năng lực về chuyên môn và kỹ thuật, bảo đảm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được bảo vệ an toàn ở mức tối đa.
Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước (Điều 19 dự thảo Luật Chính phủ trình), tên gọi của thẻ căn cước còn 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đồng ý với tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình; loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên tên thẻ căn cước công dân như luật hiện hành. Cơ quan thẩm tra cho rằng, việc đổi tên thành thẻ căn cước là phù hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh, bổ sung... trong đó có việc quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch; quy định về căn cước điện tử... Tuy nhiên, việc thay đổi tên luật gắn với việc thay đổi tên gọi của thẻ căn cước công dân sẽ tác động đến tâm lý một bộ phận người dân, lo ngại sẽ phải thay đổi thẻ căn cước công dân, thay đổi các thủ tục hành chính sử dụng thẻ căn cước công dân hiện nay, tạo tâm lý lo ngại có thể gây xáo trộn trong hệ thống pháp luật, không bảo đảm ổn định của chính sách.
Về người được cấp thẻ căn cước (Điều 20 dự thảo Luật Chính phủ trình), cơ quan thẩm tra đã rà soát, chỉnh lý, bổ sung quy định tại Điều 5 và Điều 23 dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý để quy định cụ thể hơn về yêu cầu, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và trách nhiệm của cha, mẹ hoặc người giám hộ trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước của người dưới 14 tuổi.
- Thưa ông, trong 8 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới, ông quan tâm đến dự án luật nào nhất?
- Đối với 8 dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới đều rất quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tôi nhận thấy dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đặc biệt quan trọng vì đây là dự án luật khó, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, được tổ chức, doanh nghiệp, cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Theo thống kê hiện nay, có ít nhất hơn 20 luật có liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có 3 dự luật đang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này, gồm dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
- Xin cảm ơn ông!
VŨ NGUYÊN (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin