Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta giành thắng lợi là một trong những thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi chiến công của dân tộc ta trên con đường dựng nước và giữ nước; làm nức lòng Nhân dân ta và bạn bè quốc tế tiến bộ yêu chuộng hòa bình, độc lập tự do, công lý trên thế giới; đây là nguồn sức mạnh tinh thần, vật chất cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục hoàn thành công cuộc giải phóng quê hương, thống nhất đất nước; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Một góc hồ chứa nước Đá Bàn, xã Ninh Sơn, Ninh Hòa. |
Cách đây 70 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta bước sang giai đoạn mới, đó là chủ động, tập trung chống chính sách bình định, phối hợp đánh bại cuộc hành quân Át - Lăng của địch, giải phóng vùng nông thôn, hỗ trợ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ (1953 - 1954); trên khắp chiến trường miền Nam, Trung Bộ, quân ta liên tiếp lập chiến công. Tại mặt trận Khánh Hòa các hoạt động phối hợp giữa lực lượng vũ trang địa phương với các đơn vị bộ đội chủ lực, mà tiêu biểu là Tiểu đoàn chủ lực 59 (lấy mật danh là Tiểu đoàn 64) của Trung đoàn chủ lực 803 phát triển mạnh mẽ, tập trung mở nhiều đợt tấn công nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, tạo điều kiện giúp địa phương phát triển cơ sở, mở rộng phong trào chiến tranh du kích trong vùng sau lưng địch.
Lúc bấy giờ, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang địa phương đã cùng với Tiểu đoàn 59 thành lập Ban Chỉ huy chung để chỉ đạo các đợt hoạt động. Tình hình của huyện Ninh Hòa lúc này tuy đã có bước phát triển, nhưng ở một số vùng thực dân Pháp và tay sai vẫn bình định, kiểm soát dân; chúng xây dựng 5 chi khu với hơn 70 đồn, tháp canh đan xen, kết nối với nhau thành một hệ thống phòng thủ, cắm sâu vào vùng nông thôn, đồng bằng để làm chỗ dựa cho tề ngụy và tay sai; ban đêm người dân vẫn phải đi ngủ đồn, việc làm ăn, đi lại hạn chế, lúa gạo bị địch thu gom tập trung. Để phá thế uy hiếp của địch với Nhân dân đồng thời xác định và chọn vùng Tây (xã Hòa Trí bấy giờ) là trọng điểm chính, lực lượng của ta chọn mục tiêu tấn công đầu tiên vào 2 tháp canh Tân Phong và Nhĩ Sự đêm ngày 3-4-1953; kết quả ta thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng của địch, bắt sống toàn bộ tề ngụy ở Tân Phong, ở Nhĩ Sự một số tên địch tháo chạy. Thắng lợi mở đầu tại Tân Phong, Nhĩ Sự làm cho quân và Nhân dân ta vui mừng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự mưu lược và dũng cảm của lực lượng vũ trang địa phương và Tiểu đoàn 59; từ đó tạo nên phong trào đấu tranh chống chính sách dồn dân, tập trung lúa gạo của địch lan nhanh trên toàn địa bàn Ninh Hòa.
Trên đà thắng lợi, trên đường đi Ninh Hòa - Hòn Khói, lực lượng ta tiếp tục tiêu diệt tháp canh Cầu Lớn (Ninh Diêm) vào đêm ngày 9-4-1954 và tiêu diệt một trung đội lính ngụy, bắt 42 tù binh, thu vũ khí, giải thoát 50 dân thường bị bắt.
Để cứu vãn tình thế, địch huy động trên 4.000 quân, có lực lượng Âu - Phi thiện chiến từ Bình - Trị - Thiên đổ bộ lên cửa biển Hòn Khói tiến lên do Thiếu tướng Lơ-pơ-băng người Pháp chỉ huy mở cuộc tấn công quy mô lớn vào căn cứ Đá Bàn - nơi cơ quan đầu não của tỉnh Khánh Hòa đang đóng nhằm tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta tại đây.
Sáng 19-4-1953, địch sử dụng trận địa pháo từ Xuân Sơn (Vạn Ninh) bắn dọn đường cho 3 cánh quân bộ binh tiến vào căn cứ. Cánh quân phía Bắc từ Xuân Sơn vượt đèo Ông Cộ vào Gò Trơ, dọc bờ bắc sông Đá Bàn tiến lên chân Dốc Chanh nhằm chặn đường rút của chủ lực ta ra vùng tự do Phú Yên. Cánh thứ hai từ Dốc Dài tiến ra chặn mặt phía Nam căn cứ. Cánh chính diện từ Quốc lộ 1 tiến lên Bến Ghe. Trên không máy bay trinh sát L19 dẫn đường và chỉ điểm cho máy bay oanh tạc, dội bom và pháo binh bắn dọn đường, yểm trợ cho bộ binh tiến vào .
Nhận định được tình hình của địch, lúc này Tiểu đoàn 59 đang có mặt ở căn cứ, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu, lực lượng vũ trang địa phương đã phối hợp với Tiểu đoàn 59 chủ động bố trí chông, mìn gài sẵn khiến các cánh quân của địch bị tổn thất, thương vong nhiều, buộc chúng phải thăm dò, mãi đến xế chiều mới vào được khu vực bìa căn cứ. Buổi tối, lực lượng ta luân phiên pháo kích, bắn súng vào các cụm trú quân khiến địch thương vong, tinh thần hoảng loạn, mệt mỏi. Cùng với Tiểu đoàn 59, lúc này có thêm một trung đội của Đại đội 700 phối hợp dẫn đường, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu chỉ huy đã bí mật hành quân qua đường hẻm Eo Gió ra vòng ngoài phục kích trên đoạn đường Cầu Gỗ, Suối Sâu trong Vườn Gòn của sở “Thằng Lô” cũ, cách Bến Ghe khoảng nửa cây số để chặn đánh đường rút quân của địch .
Sáng 20-4-1953, phi cơ địch thả bom, pháo bắn vào vùng rừng gần phía Tây căn cứ, rồi bộ binh tiến vào nhưng bị chông, mìn và du kích của ta chặn đánh khiến quân địch chỉ dám mò vào rừng khoảng 50 - 70m, đốt phá nhà dân, trại sản xuất, bãi giao liên rồi hoảng sợ quay ra. Khoảng 11 giờ trưa, chúng bắt đầu rút quân có máy bay L.19 quần lượn chỉ đường. 13 giờ chiều, khi cánh quân cuối cùng của địch lọt vào trận địa phục kích, toàn bộ hỏa lực của ta nổ súng mãnh liệt, bắn ập lên đội hình khiến quân địch không kịp trở tay. Những tên sống sót nhào xuống Suối Sâu, gầm cầu thì bị mìn, lựu đạn của ta tiêu diệt. Ta tiếp tục dùng hỏa lực đại liên, súng cối bắn áp chế, ghìm đầu quân địch, xung phong tiêu trừ số địch còn sống sót, thu chiến lợi phẩm. Khoảng 16 giờ, trận chiến mới kết thúc. Kết quả trong trận phục kích ta tiêu diệt 1 đại đội lính Pháp, thu nhiều vũ khí, có 1 đại liên, bên ta 14 chiến sĩ hy sinh.
Sau trận đánh, địch rút toàn bộ lực lượng, hành quân vào Nha Trang, đến ngày 15-5-1953 Tiểu đoàn 59 phối hợp với Đại đội 900 tiêu diệt hai tháp canh Mỹ Lệ (Ninh Đa) và Hội Bình (Ninh Phú) ở khu vực Hòn Hèo, bắt 40 tù binh, thu vũ khí.
Đối với Tiểu đoàn 59, thời gian hoạt động tại Ninh Hòa sắp kết thúc, để giữ thế chủ động, Tỉnh ủy chủ trương phân tán lực lượng, mở đợt vũ trang tuyên truyền, diệt tề, trừ gian, tìm diệt biệt kích địch một cách rầm rộ nhằm làm lạc hướng địch để Tiểu đoàn rút quân. Cuối tháng 6-1953, Tiểu đoàn 30 của Liên khu vào thay Tiểu đoàn 59.
Những chiến thắng liên tiếp của lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với các đại đội của Tiểu đoàn 59 (Đại đội 11 ở Hòn Hèo; Đại đội 4, Đại đội 6 và Đại đội 8 ở Đá Bàn trợ chiến do đồng chí Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu và đồng chí Chính trị viên Phạm Đạo chỉ huy) đã làm cho hệ thống tháp canh của địch tại các vùng bị chọc thủng, chính sách tập trung của chúng bị thất bại, buộc chúng phải thay đổi chính sách chuyển sang thành lập các trung tâm hành chính khu vực.
Song song kết hợp trong hoạt động tấn công quân sự, lực lượng vũ trang địa phương tại Ninh Hòa cùng với Tiểu đoàn 59 đã phối hợp mạnh mẽ trong triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng, phát triển cơ sở, động viên Nhân dân trong các vùng của huyện đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị; thông báo, giáo dục cơ sở quần chúng cảnh giác trước âm mưu của địch; công khai đưa tin, chất vấn bọn tề ngụy về trách nhiệm và khả năng bảo đảm tính mạng và tài sản của dân. Nhân dân địa phương được các lực lượng vũ trang động viên, hỗ trợ nên khắp nơi nổi dậy đấu tranh, ùa vào đồn vừa đấu lý, vừa tranh nhau gánh lúa với địch, đem cối xay, cối giã về nhà; đấu tranh không đi ngủ đồn tập trung… làm cho quân binh lính và tay sai không sao cản nổi, dao động, hoang mang, từ đó từng bước đánh bại các âm mưu thủ đoạn hoạt động mới của địch.
Trong chiến dịch chống bình định, đánh bại chính sách tập trung của địch vào những năm 1953 - 1954 tại mặt trận Ninh Hòa nói chung và chiến thắng trận càn Vườn Gòn - Đá Bàn (Ninh Hòa) nói riêng đã đi vào lịch sử như một chiến công vang dội, trở thành “cơn ác mộng” đối với quân Pháp - Ngụy. Thắng lợi của trận chống càn đã tạo được tiếng vang lớn, có ý nghĩa khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân huyện Ninh Hòa, làm thất bại âm mưu đánh vào đầu não chiến khu của ta ở căn cứ Đá Bàn - Căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy Khánh Hòa. Một lần nữa khẳng định sự lớn mạnh của các lực lượng vũ trang, sự đúng đắn của chiến lược, chiến thuật quân sự; sự đoàn kết, chủ động trong hoạt động phối hợp giữa lực lượng vũ trang, quần chúng nhân dân địa phương với Tiểu đoàn 59; về cách đánh sở trường, bề dày kinh nghiệm của Tiểu đoàn 59 trong hoạt động đấu tranh quân sự, chính trị, góp phần làm thất bại âm mưu bình định của thực dân Pháp, làm nên thắng lợi chung trên chiến trường Liên khu 5, tạo tiền đề hỗ trợ tích cực cho chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 5-1954), kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta.
“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Từ thắng lợi của trận chiến Vườn Gòn - Đá Bàn đã khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó khẳng định vai trò trực tiếp là Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy chung trong chỉ đạo phối hợp hoạt động; các lực lượng của ta đã chủ động, phối hợp linh hoạt, bố trí lực lượng, hỗ trợ cùng chiến đấu. Bằng sự kinh nghiệm, khả năng hoạt động độc lập của các lực lượng bộ đội chủ lực kết hợp với sự thông thạo địa hình, bám sát cơ sở của lực lượng vũ trang địa phương; đồng thời tranh thủ tối đa sự tin tưởng, ủng hộ của người dân đã tạo nên sức mạnh thống nhất, từng bước đẩy quân địch vào tình thế ngày càng khốn đốn, thất bại hoàn toàn.
Ôn lại diễn biến, ý nghĩa lịch sử của sự kiện chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn, từ thực tiễn hoạt động phối hợp giữa các lực lượng vũ trang trên địa bàn trong công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc; ngày nay trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương Ninh Hòa, Đảng bộ và Nhân dân Ninh Hòa đã vận dụng và rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết của cán bộ, đảng viên và Nhân dân địa phương trong từng giai đoạn lịch sử; tiếp tục vận dụng linh hoạt cơ hội, điều kiện, thế mạnh của địa phương; chủ động vượt qua mọi khó khăn thách thức để xây dựng quê hương, phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; nâng cao đời sống của Nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần.
Hai là, bài học về giữ vững và phát huy các giá trị truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh hào hùng của quê hương, đất nước trong mọi hoàn cảnh; điều đó được biểu hiện qua tinh thần, ý chí và quyết tâm của toàn Đảng và toàn dân Ninh Hòa trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương với mục tiêu: vững mạnh về chính trị; giàu đẹp về kinh tế, văn hóa, xã hội; ổn định về quốc phòng, an ninh.
Ba là, thường xuyên xây dựng, vun đắp mối quan hệ máu thịt quân - dân trong từng giai đoạn lịch sử; tiếp tục vận dụng sáng tạo quan điểm “lấy dân làm gốc”, đó là dựa vào dân, xây dựng “thế trận lòng dân”, bám đất, bám dân; biết vận dụng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân; kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang để chiến đấu, xây dựng, phát triển phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của địa phương.
Bốn là, từng bước củng cố, phát triển lực lượng vũ trang địa phương thật sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để trở thành lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu toàn diện, đảm bảo yêu cầu bảo vệ thành quả cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta tạo nên; hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Trải qua 70 năm, những vết tích khốc liệt của những trận đánh năm xưa của Tiểu đoàn 59 cùng với lực lượng vũ trang địa phương tại mặt trận Ninh Hòa giờ được phủ bằng một màu xanh của cuộc sống thanh bình. Để có được cuộc sống trong hòa bình như hôm nay, thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ quên công lao của cha ông và các trận đánh hiển hách của Tiểu đoàn 59, của những cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân địa phương đã chiến đấu, anh dũng trên mảnh đất này. Từ đó, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của cha ông cho các thế hệ sau này.
Những bài học kinh nghiệm từ trận chiến Vườn Gòn - Đá Bàn và những trận đánh chống càn của quân và dân ta trong những năm 1953 - 1954 đến nay vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục được Đảng bộ và Nhân dân Ninh Hòa vận dụng, kế thừa, phát triển phù hợp với thực tiễn; không ngừng nêu cao bản lĩnh, ý chí cách mạng, đồng tâm, hiệp lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cần cù, sáng tạo, chủ động khai thác hiệu quả các tiềm năng thế mạnh; ý thức trách nhiệm, tinh thần nỗ lực trong lao động, công tác, góp phần xây dựng thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, tỉnh Khánh Hòa sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-12-2022 của Bộ Chính trị.
Tống Trân - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Ninh Hòa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin