Sau tin vui ngày 11-4 về chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2022 của Khánh Hòa ở vị trí 16/63, tăng 28 bậc, sáng 12-4, niềm vui đã nhân đôi khi UBMTTQ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố Khánh Hòa đứng thứ 16/61 về chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) năm 2022, tăng 24 bậc so với năm 2021 và là lần đầu tiên thuộc top Đạt điểm cao.
PAPI Khánh Hòa 2022: 16/61
Chỉ số PAPI 2022 của tỉnh đạt 43,4369 điểm, cao hơn 1,1992 điểm so với điểm trung vị của các tỉnh, thành phố, xếp thứ 16/61 tỉnh, thành phố (kết quả phân tích dữ liệu 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh không được đưa vào báo cáo). So với năm 2021, PAPI của Khánh Hòa tăng 1,7479 điểm và tăng 24 bậc; lần đầu tiên thuộc nhóm Đạt điểm cao.
Đây cũng là năm tỉnh có thứ hạng tăng cao nhất trong cả giai đoạn 2011-2022. Trong 8 chỉ số nội dung của PAPI, tỉnh có tới 7 chỉ số đạt cao hơn chỉ số trung bình chung (năm 2021 chỉ có 2 chỉ số) và tăng hơn năm 2021, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử. Trong đó, chỉ số Trách nhiệm giải trình với người dân và Quản trị điện tử của Khánh Hòa thuộc nhóm cao điểm nhất. Báo cáo PAPI ghi nhận hiệu quả cung ứng dịch vụ công điện tử của tỉnh có những cải thiện khá đáng kể so với năm 2021.
Xếp hạng chỉ số PAPI của Khánh Hòa giai đoạn 2011-2022. |
Kết quả tổng hợp cũng cho thấy, năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh đạt mục tiêu đề ra trong Kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI năm 2022 của tỉnh là đạt từ 43,3 điểm trở lên; tăng 1,61 điểm so với năm 2021.
Phấn đấu duy trì đà tăng
Theo ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, ngày 5-1-2022, UBND tỉnh đã ban hành công văn về việc triển khai các giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Trong đó, UBND tỉnh nhấn mạnh, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng điều hành, quản trị và hành chính công của bộ máy chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, xây dựng một nền hành chính dân chủ, minh bạch, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, theo phương châm “Tỉnh sát xã, huyện sát thôn, xã sát dân”. UBND tỉnh đề ra 11 mục tiêu trọng tâm, 60 nhiệm vụ, giải pháp trên 6 lĩnh vực cải cách hành chính, trong đó cải cách thể chế là then chốt. Tỉnh cũng xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển các vùng động lực; sắp xếp cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến; xây dựng khung nhiệm vụ của cấp huyện, cấp xã, chỉ rõ những việc phải làm, cách làm, mức độ, kết quả cần đạt được; tập huấn, tuyên truyền về chỉ số PAPI; kiểm tra, giám sát, khắc phục và cải thiện các điểm còn hạn chế. UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo các xã phối hợp chặt chẽ với MTTQ, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến đời sống người dân; công khai toàn bộ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thông tin thu hồi đất, giá đất, các chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai đang có hiệu lực, các khoản thu, chi ngân sách cấp xã, danh sách hộ nghèo, công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước; xét duyệt hộ nghèo đúng quy trình, thủ tục, đối tượng; giải quyết kịp thời, đúng quy định các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; kiện toàn ban thanh tra nhân dân, ban giám sát cộng đồng; công khai, minh bạch trong tuyển dụng; mỗi năm ít nhất 2 lần, chính quyền xã phải khảo sát lấy ý kiến, tiếp thu kiến nghị, góp ý và có biện pháp khắc phục, cải tiến chất lượng, hiệu quả phục vụ, giải quyết công việc… Có thể nói, tỉnh đã rất quyết liệt, chỉ đạo khẩn trương và đồng bộ nhằm cải thiện chỉ số PAPI.
Điểm số đánh giá các chỉ số nội dung PAPI 2022 của Khánh Hòa. |
Ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, chỉ số PAPI 2022 cung cấp dữ liệu cơ sở để chính quyền cấp tỉnh theo dõi tiến trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công, phục vụ nhân dân. Kết quả trên cho thấy tỉnh đã có rất nhiều nỗ lực phục vụ người dân và thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, cũng còn một số nội dung cần được quan tâm để hiểu rõ hơn đánh giá và kỳ vọng của người dân, từ đó có những giải pháp tiếp tục cải thiện và đổi mới trong thời gian tới, trong đó cần tiếp tục chú ý công tác điều hành và cung ứng dịch vụ công, năng lực quản lý và sự phục vụ của chính quyền cơ sở. Đây là vấn đề quan trọng, không chỉ đối với chỉ số PAPI. Sở Nội vụ sẽ rà soát từng nội dung cụ thể của chỉ số PAPI 2022, tham mưu UBND tỉnh xác định những vấn đề cần ưu tiên giải quyết trong ngắn hạn và trung hạn để giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, ngành liên quan nhằm đổi mới phương thức phục vụ nhân dân.
Chỉ số PAPI 2022 được tổng hợp từ phỏng vấn trực tiếp 16.117 người dân trên toàn quốc về trải nghiệm của họ khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương và sử dụng dịch vụ công, gồm 8 chỉ số lĩnh vực nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.
NGUYỄN VŨ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin