Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 22-10 Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 22-10 Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Kỳ họp này Quốc hội chia thành 19 tổ thảo luận. Tổ 15 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Trị và Thái Bình.
Tham gia ý kiến vào kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Lê Hữu Trí, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa thống nhất với những nhận định, đánh giá của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đồng thời đại biểu cũng đưa ra các nhận xét, đánh giá như: Tuy tình hình đất nước ta chỉ mới đang trong trạng thái dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng trong 9 tháng qua chúng ta đã cố gắng đạt được những kết quả khá tốt về mức tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay cũng còn tồn tại nhiều vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm như: Việc các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất và phát triển doanh nghiệp, Chính phủ cần có sự quan tâm, đánh giá để sớm đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ, giúp các doanh nghiệp ổn định và phát triển; Vấn đề đầu tư công cũng còn nhiều tồn tại kéo dài nhiều năm như giải ngân chậm, việc hoàn thành các thủ tục đầu tư kéo dài, phân bổ nguồn vốn… Đối với vấn đề này, Chính phủ cũng nên có sự đánh giá, phân tích kỹ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là xác định trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong sự chậm trễ giải ngân, dẫn đến việc phải trả lại vốn.
Về lĩnh vực xã hội, Đại biểu Lê Hữu Trí đã phân tích những tồn tại kéo dài của ngành y tế và giáo dục. Trong đó, những bất cập trong việc khám chữa bệnh, nhất là việc chậm thanh, quyết toán bảo hiểm y tế cho các đơn vị khám, chữa bệnh đã ảnh hưởng đến việc các cơ sở khám chữa bệnh thiếu kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, chăm lo cho đội ngũ y bác sĩ từ đó ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. Việc thiếu ổn định trong chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, thi tuyển trong ngành giáo dục, việc lạm thu đầu năm học… gây khó khăn cho phụ huynh và học sinh, gây bất ổn cho xã hội. Vì vậy, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như đảm bảo và nâng cao chất lượng ngành giáo dục vì đây là 2 lĩnh vực tác động trực tiếp và rất lớn đến con người.
Các ý kiến của Đại biểu Lê Hữu Trí nhận được sự tán thành và chia sẻ của nhiều Đại biểu Quốc hội trong Tổ 15.
Trí Nghĩa