09:10, 30/10/2022

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ: Một số điểm mới

Ngày 16-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 07/2022/QH15), có hiệu lực từ ngày 1-1-2023.

Ngày 16-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ - SHTT (Luật số 07/2022/QH15), có hiệu lực từ ngày 1-1-2023. Những quy định mới nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành và sự không phù hợp giữa các quy định của Luật SHTT với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế hướng đến sự hoàn thiện thể chế về SHTT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.


Đối với chủ thể quyền sở hữu trí tuệ


Luật mới quy định rõ ràng và cụ thể hơn về xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan và nội dung nổi bật là quy định cho phép chuyển giao một số quyền nhân thân theo thỏa thuận. Những nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả.

 

Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tập huấn về Luật Sở hữu trí tuệ  cho cán bộ, công chức các sở, ngành cùng đại diện các viện, trường đại học và doanh nghiệp.

Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tập huấn về Luật Sở hữu trí tuệ cho cán bộ, công chức các sở, ngành cùng đại diện các viện, trường đại học và doanh nghiệp.

 

1

Luật SHTT số 07/2022/QH15 bổ sung quyền đăng ký là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, luật trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn; đồng thời quy định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả nhằm khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khai thác, phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

 

Về bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu công nghiệp


Đối với bảo hộ sáng chế, Luật SHTT số 07/2022/QH15 bổ sung khái niệm sáng chế mật và các quy định về đánh giá tính mới, kiểm soát an ninh đối với sáng chế, sáng chế liên quan đến nguồn gen, trường hợp đơn đăng ký sáng chế không hợp lệ, xác định việc sử dụng kết quả thẩm định đơn đăng ký sáng chế của nước ngoài; những nội dung liên quan đến các trường hợp chấm dứt hiệu lực, hủy bỏ, từ chối cấp bằng độc quyền sáng chế; đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm, căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.


Về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, luật sửa đổi khái niệm về kiểu dáng công nghiệp, điều chỉnh nội dung yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, bản mô tả kiểu dáng công nghiệp, cách xác định phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Đồng thời bổ sung các quy định về: Công bố muộn đơn và phản đối đơn trong đăng ký kiểu dáng công nghiệp, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp.


Đối với bảo hộ nhãn hiệu, Luật SHTT số 07/2022/QH15 đã mở rộng việc bảo hộ đến nhãn hiệu âm thanh bên cạnh nhãn hiệu chữ, nhãn hiệu hình; bổ sung dấu hiệu không được sử dụng làm nhãn hiệu; chỉnh lý một số trường hợp đánh giá tính tương tự của nhãn hiệu; bổ sung quy định về chỉ dẫn địa lý (chỉ dẫn địa lý đồng âm), các quy định khác liên quan đến thủ tục xử lý đơn (phản đối đơn, tạm dừng thẩm định)… Các tiêu chí đánh giá các nhãn hiệu nổi tiếng, cũng như các căn cứ để từ chối, hủy bỏ hay chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu cũng là những điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm và nắm được các quy định mới để vận dụng tốt nhất cũng như bảo hộ nhãn hiệu của mình.


Đối với quy định về đại diện sở hữu công nghiệp, luật chỉnh lý yêu cầu đối với đại diện sở hữu công nghiệp (bỏ trách nhiệm thông báo các khoản và mức phí dịch vụ); đơn giản hóa yêu cầu đối với tổ chức hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp khi yêu cầu chỉ cần có 1 người đại diện sở hữu công nghiệp; sửa đổi, bổ sung nội dung điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.


Những quy định mới, được sửa đổi, bổ sung của luật nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, xác lập quyền sở hữu công nghiệp.


Nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ


Luật SHTT số 07/2022/QH15 cũng làm rõ chính sách của Nhà nước về SHTT là hỗ trợ về tài chính, ưu đãi về thuế, tín dụng và đầu tư để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ. Các quy định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền SHTT được sửa đổi, hoàn thiện để bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội.


Để bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập, luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền; ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan; nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu bí mật trong đơn xin cấp phép nông hóa phẩm; nghĩa vụ chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ là hàng giả mạo SHTT... Đối với quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm, luật sửa đổi tên điều thành “Nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu thử nghiệm” và bổ sung các quy định liên quan đến nghĩa vụ bảo đảm cơ hội cho chủ sở hữu thực thi quyền đối với sáng chế, về quy định bảo hộ dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm với thời hạn bảo hộ độc quyền 10 năm tính từ ngày người nộp đơn được cấp phép nhằm phù hợp với nội dung Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương…

 

Bà Nguyễn Thị Hoàng Diệp - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật SHTT (năm 2005) đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động lao động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước… Năm 2009, Luật SHTT đã được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện tương đối đầy đủ, đồng bộ từ việc triển khai hoạt động quản lý nhà nước về SHTT, đăng ký xác lập quyền, hỗ trợ cho việc khai thác, phát triển tài sản trí tuệ đến thực thi quyền SHTT. Năm 2022, Luật SHTT được sửa đổi, bổ sung với nhiều quy định mới liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan; thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, xác lập quyền sở hữu công nghiệp; chính sách của Nhà nước về SHTT… Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tăng cường tuyên truyền về hệ thống pháp luật SHTT và những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT.

______________________________________


Theo báo cáo của Cục SHTT, trong giai đoạn 2010 - 2021, tại Việt Nam có hơn 65.000 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, hơn 5.000 đơn đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích, 31.000 đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, 480.000 đơn đăng ký nhãn hiệu; qua đó đã có hơn 313.000 văn bằng được cấp. Trong năm 2021, chủ thể là doanh nghiệp chiếm 40,15% tổng số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và chiếm 30% tổng số đơn đăng ký giải pháp hữu ích.


KIỀU CHÂU