09:07, 21/07/2022

Ý kiến của lãnh đạo một số sở, ngành về một số nghị quyết quan trọng đã được thông qua

Lời tòa soạn: Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VII vừa qua, HĐND tỉnh đã thảo luận, xem xét thông qua 27 nghị quyết. Báo Khánh Hòa xin giới thiệu ý kiến của lãnh đạo một số sở, ngành về một số nghị quyết quan trọng đã được thông qua.
 

Lời tòa soạn: Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII vừa qua, HĐND tỉnh đã thảo luận, xem xét thông qua 27 nghị quyết. Báo Khánh Hòa xin giới thiệu ý kiến của lãnh đạo một số sở, ngành về một số nghị quyết quan trọng đã được thông qua.
 
Đầu tư tôn tạo cảnh quan di tích địa điểm lưu niệm tàu C235
 
Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết:

 

Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa
Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa
 
- Di tích địa điểm lưu niệm tàu C235 (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa) được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2014. Nơi đây đã trở thành điểm tham quan, học tập và về nguồn của đông đảo người dân, du khách gần xa. Để bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia địa điểm lưu niệm tàu C235, phục vụ tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau; đồng thời phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương đầu tư dự án Tôn tạo cảnh quan di tích địa điểm lưu niệm tàu C235.
 
- Xin ông cho biết quy mô, các hạng mục đầu tư của dự án này?
 
- Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5,45 tỷ đồng (gồm hơn 4,95 tỷ đồng từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, 500 triệu đồng từ ngân sách nhà nước), được triển khai trong giai đoạn 2022-2024. 
 
Dự án sẽ đầu tư mở rộng diện tích từ ranh giới mốc bảo vệ di tích ra phía ngoài khoảng 60m, chiều rộng từ phía đường bê tông hiện hữu ra phía biển khoảng 20m, với tổng diện tích mở rộng thêm khoảng 1.200m2. Trên phần diện tích này sẽ xây dựng 1 nhà truyền thống và các hạng mục phụ trợ như: phòng làm việc, phòng kho, khu vệ sinh; phần còn lại, xung quanh nhà truyền thống tiến hành xây dựng công viên; phía trước nhà truyền thống xây dựng bãi đỗ xe. Bên cạnh đó, dự án còn có một số hạng mục như: xây dựng kè đá bảo vệ đất di tích, chống sạt lở phía giáp biển; trồng cây xanh tạo bóng mát, tạo cảnh quan khu di tích; xây dựng bể chứa nước ngầm 60m3 phục vụ các hoạt động tại di tích. 
 
- Có ý kiến đề nghị rà soát lại vị trí xây dựng một số hạng mục công trình nhằm đảm bảo tính tôn nghiêm của di tích. Vậy, Sở Văn hóa và Thể thao có ý kiến gì về vấn đề này, thưa ông?
 
- Di tích quốc gia địa điểm lưu niệm tàu C235 có giá trị tiêu biểu về lịch sử, quân sự, sự chiến đấu. Sự anh dũng hi sinh của cán bộ, chiến sĩ tàu C235 có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau. Do đó, trong giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tiến hành rà soát về vị trí xây dựng các hạng mục công trình nhằm đảm bảo tính tôn nghiêm của di tích; đồng thời, sẽ xây dựng phương án khai thác nhằm phát huy giá trị của di tích này sau khi hoàn thành việc đầu tư tôn tạo cảnh quan.
 
- Xin cảm ơn ông!
 
H.L (Thực hiện) 
 
Tập trung phát triển du lịch cộng đồng 
 
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch cho biết:

 

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa
 
- Khánh Hòa có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có, thiếu sự đầu tư; sản phẩm du lịch cộng đồng còn đơn điệu. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ hạn chế, cơ sở hạ tầng du lịch yếu, nguồn nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng thiếu; việc thu hút đầu tư và hỗ trợ tài chính cho phát triển du lịch cộng đồng còn hạn chế… Vì vậy, việc khai thác du lịch cộng đồng của tỉnh còn nhiều hạn chế, trung bình mỗi năm chỉ đón khoảng 10.000 lượt khách, với doanh thu hơn 2,5 tỷ đồng. 
 
Tuy nhiên, du lịch cộng đồng cũng đã thu hút được nhiều lao động của vùng nông thôn tham gia, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, chuyển dịch thời gian lao động nông nhàn sang các ngành nghề phục vụ cho phát triển du lịch; bước đầu đã nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng và phát triển du lịch bền vững cho người lao động trong vùng có phát triển du lịch cộng đồng.  
 
- Xin bà cho biết cụ thể các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng vừa được HĐND tỉnh thông qua?
 
- Các quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh được áp dụng cho các đối tượng gồm: Tổ chức kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư, khai thác kinh doanh tại địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng; các cơ quan, tổ chức có liên quan. 
 
Nội dung và mức hỗ trợ được quy định cụ thể như sau: Hỗ trợ lắp đặt hệ thống biển báo, chỉ dẫn tối đa 15 triệu đồng/địa điểm; hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch tối đa 40 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ trang thiết bị cần thiết ban đầu cho cá nhân, hộ gia đình, người dân trong cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ du lịch tối đa 30 triệu đồng/hộ. Đối với UBND cấp huyện, hỗ trợ kinh phí tối đa 100 triệu đồng/năm/địa phương để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch cho cá nhân, hộ gia đình, người dân trong cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ du lịch; hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/năm/địa phương để thực hiện tuyên truyền, quảng bá xúc tiến sản phẩm du lịch cộng đồng.
 
Kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng từ nguồn kinh phí thường xuyên hàng năm của Chương trình hành động ngành Du lịch Khánh Hòa.
 
- Xin cảm ơn bà!
 
THANH LONG (Thực hiện)
 
Nhiều chính sách hỗ trợ chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025
 
Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:

 

Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa
Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa

 

- Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhận được sự hưởng ứng cao của các chủ thể sản xuất, từ 26 sản phẩm đăng ký ban đầu, đến năm 2021 đã có 79 sản phẩm tham gia chương trình. Đến nay, đã có 44 sản phẩm của 30 chủ thể (7 doanh nghiệp, 9 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác, 4 hộ kinh doanh) được hội đồng đánh giá cấp tỉnh đánh giá và xếp hạng đạt 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 42 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc so với trước khi tham gia đánh giá. 
 
Tuy nhiên, việc triển khai chương trình OCOP cũng gặp một số khó khăn, hạn chế: Sản phẩm tham gia chủ yếu là sản phẩm tươi, chưa qua chế biến nên chưa gia tăng giá trị; sản phẩm chủ yếu do hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất với quy mô nhỏ, tính liên kết thấp, chưa chủ động trong phân phối, tiếp thị sản phẩm. Quá trình triển khai chương trình chưa thật sự đồng bộ, cơ chế, chính sách hỗ trợ được thực hiện lồng ghép từ nhiều chính sách dẫn đến sự lúng túng, khó khăn cho các địa phương trong triển khai chương trình… Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc thời gian qua, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
 
- Các chính sách hỗ trợ chương trình OCOP cụ thể như thế nào, thưa ông?
 
- Chính sách hỗ trợ chương trình OCOP được áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
 
Nội dung và định mức hỗ trợ cụ thể như sau: Đối với hỗ trợ triển khai chương trình OCOP thường niên, sẽ chi hỗ trợ theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, với các nội dung chi hỗ trợ thuê đơn vị tư vấn hoặc tư vấn xây dựng phương án, hướng dẫn triển khai chu trình OCOP thường niên, với mức thuê chuyên gia trong nước không quá 30 triệu đồng/người/tháng; chi tổ chức họp Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh (chủ tịch hội đồng 600.000 đồng/ngày, thành viên hội đồng 400.000 đồng/ngày, thành viên tổ giúp việc 200.000 đồng/ngày), cấp huyện (chủ tịch hội đồng 400.000 đồng/ngày, thành viên hội đồng 300.000 đồng/ngày, thành viên tổ giúp việc 150.000 đồng/ngày).
 
Về việc hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm đối với các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình OCOP, hỗ trợ 1 lần 30% chi phí, tối đa không quá 300 triệu đồng đối với hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, không quá 200 triệu đồng đối với tổ hợp tác, trang trại, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh để mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm; hỗ trợ 1 lần 70% chi phí, tối đa không quá 15 triệu đồng/sản phẩm để kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, chủ thể tham gia chương trình được hỗ trợ 1 lần 100% chi phí đánh giá chứng nhận lần đầu, tối đa không quá 40 triệu đồng/hệ thống trong trường hợp chủ thể tự thực hiện, tối đa không quá 50 triệu đồng/hệ thống trong trường hợp chủ thể thuê tư vấn thực hiện. Bên cạnh đó, chủ thể tham gia chương trình được hỗ trợ 1 lần 50% chi phí, tối đa không quá 20 triệu đồng/chủ thể để xây dựng trang thông tin giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; hỗ trợ 1 lần 100% chi phí, tối đa không quá 50 triệu đồng/chủ thể để thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch, tem điện tử, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ 100% chi phí, tối đa không quá 3 triệu đồng/sản phẩm để xây dựng câu chuyện sản phẩm; hỗ trợ 100% chi phí, tối đa không quá 10 triệu đồng/lần để tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh (mỗi chủ thể được hỗ trợ tối đa 2 lần/năm).
 
Đối với hỗ trợ điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, hỗ trợ 1 lần 70% (đối với 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh) và 50% (đối với các địa phương còn lại) kinh phí, tối đa không quá 200 triệu đồng/điểm giới thiệu. 
 
- Xin cảm ơn ông!
 
HẢI LĂNG (Thực hiện)