10 năm qua, công tác pháp chế của Khánh Hòa luôn khó khăn về tổ chức, biên chế. Đây cũng là vướng mắc được thừa nhận tại hội nghị công tác pháp chế khu vực phía Nam, diễn ra ở TP. Nha Trang ngày 18-3 vừa qua.
10 năm qua, công tác pháp chế của Khánh Hòa luôn khó khăn về tổ chức, biên chế. Đây cũng là vướng mắc được thừa nhận tại hội nghị công tác pháp chế khu vực phía Nam, diễn ra ở TP. Nha Trang ngày 18-3 vừa qua.
Chưa có phòng pháp chế
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định (NĐ) số 55 ngày 4-7-2011 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt thành lập tổ chức này, cũng như hoạt động quản lý nhà nước về công tác pháp chế. Đến nay, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) ở tỉnh được thực hiện đúng quy trình, thủ tục luật định. Chất lượng ban hành văn bản từng bước được cải thiện. Công tác góp ý, thẩm định văn bản QPPL của Sở Tư pháp được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo tiến độ, chất lượng quy định. Công tác theo dõi thi hành pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; quản lý xử lý vi phạm hành chính; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật… được quan tâm đẩy mạnh.
Thực hiện quy định của NĐ 55 phải thành lập phòng pháp chế tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (viết tắt là sở), ngày 19-7-2011, UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ phê duyệt kế hoạch biên chế công chức tỉnh năm 2012, trong đó bổ sung 30 biên chế thành lập phòng pháp chế tại 14 sở và Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong. Ngày 27-6-2013, UBND tỉnh lại đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp bổ sung kịp thời nguồn biên chế còn thiếu để tỉnh thành lập tổ chức pháp chế tại các sở. Nhưng đã 10 năm qua, đề nghị này vẫn chưa được đáp ứng.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2015, cả nước có 291 phòng pháp chế, nhưng do khó khăn về bố trí biên chế, đến nay chỉ còn 55 phòng. Khánh Hòa là 1 trong 39 tỉnh, thành phố chưa thành lập được phòng pháp chế và cũng chỉ có 4 sở có pháp chế chuyên trách, 10 sở bố trí người kiêm nhiệm nhưng số người có thâm niên không nhiều. Trong 5 doanh nghiệp nhà nước có người làm công tác pháp chế thì 3 đơn vị làm kiêm nhiệm. Trong khi đó, ngoài xây dựng pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; theo dõi thi hành pháp luật, cán bộ pháp chế còn đảm nhận cả công tác bồi thường của Nhà nước; tham mưu các vấn đề pháp lý; tham gia tố tụng; kiểm soát thủ tục hành chính... Thực trạng trên đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả, chất lượng hoạt động công tác pháp chế tại tỉnh.
Kiến nghị sửa đổi
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: 1 trong 6 nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính là cải cách thể chế. Hiệu quả của hoạt động cải cách thể chế, nhất là công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL phụ thuộc chủ yếu vào đội ngũ cán bộ pháp chế và người làm công tác pháp luật. Sau hơn 10 năm thực hiện, NĐ 55 đã bộc lộ nhiều tồn tại, vướng mắc, cần được xem xét, đánh giá toàn diện nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung đảm bảo khả thi, phù hợp với đặc thù công tác pháp chế thời gian tới. |
Ông Vũ Quốc Doanh - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Tư pháp) xác nhận, đến nay, ở khu vực phía Nam, chỉ còn 10 phòng pháp chế của 7 tỉnh đang hoạt động. Trong 1.000 người làm công tác pháp chế, chỉ có 30% làm chuyên trách.
Bà Đỗ Thanh Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) đề xuất giao UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập phòng pháp chế, bố trí công chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn; hoặc ghép tổ chức pháp chế vào phòng chuyên môn của một số sở. Tuy nhiên, ông Phạm Quốc Đạt - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, nếu cho tỉnh quyền tự chủ mà không có biên chế thì địa phương vẫn phải tự “bơi”, dẫn đến tình trạng không thống nhất. Quan trọng nhất là giải quyết được vấn đề tổ chức, biên chế, sau đó cần có tên gọi chính thức gắn với vị trí việc làm và có chế độ hỗ trợ người làm công tác pháp chế, giảm đầu mối công việc, hạ bớt tiêu chuẩn bổ nhiệm người đứng đầu tổ chức pháp chế…
Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Giám đốc Sở Tư pháp kiến nghị, Bộ Tư pháp sớm tham mưu Chính phủ ban hành NĐ sửa đổi, bổ sung NĐ 55 theo hướng chỉ quy định những nhiệm vụ quan trọng cho tổ chức pháp chế như: xây dựng pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; kiểm tra, xử lý văn bản QPPL; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra việc thực hiện pháp luật. Cán bộ pháp chế chỉ phối hợp khi cần đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; bồi thường của Nhà nước; thi đua, khen thưởng... NĐ chỉ nên quy định bắt buộc thành lập phòng pháp chế tại một số cơ quan như: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng; các sở khác chỉ bắt buộc có cán bộ pháp chế chuyên trách. Đồng thời, đề nghị bỏ điều kiện: “Người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có ít nhất 5 năm trực tiếp làm công tác pháp luật”; bổ sung cụ thể trách nhiệm của Bộ Nội vụ đảm bảo nhân lực để địa phương kiện toàn bộ máy pháp chế; trách nhiệm của Bộ Tài chính quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế và các điều kiện cần thiết khác cho tổ chức pháp chế hoạt động; tập huấn nghiệp vụ thường xuyên cho người làm công tác pháp chế…
NGUYỄN VŨ