10:03, 21/03/2022

Một số nội dung quan trọng của Luật sửa đổi, bổ sung 9 văn bản luật tại kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV

Nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng pháp luật đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội trong điều kiện vừa phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, ngày 11-1, tại kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV lần thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Luật số 03/22/QH15 (sau đây gọi là Luật số 03) sửa đổi, bổ sung 9 văn bản luật.

Nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng pháp luật đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội trong điều kiện vừa phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, ngày 11-1, tại kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV lần thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Luật số 03/22/QH15 (sau đây gọi là Luật số 03) sửa đổi, bổ sung 9 văn bản luật. Các luật được sửa đổi bao gồm: Đầu tư; Đầu tư công; Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Nhà ở; Đấu thầu; Điện lực; Doanh nghiệp; Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thi hành án dân sự.


Về hoạt động đầu tư công, Luật số 03 quy định phân quyền rõ hơn cho HĐND cấp tỉnh. Theo đó, HĐND cấp tỉnh được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và nhóm C theo quy định của Luật Đầu tư công; được quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay đầu ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do địa phương quản lý (trước đây thuộc thẩm quyền của Thủ tướng chính phủ).


Về Luật Đầu tư, Luật số 03 đã sửa đổi, bổ sung Điều 32 về tăng thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, cụ thể: UBND cấp tỉnh có quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 300ha và quy mô dân số dưới 50.000 người; dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích (trừ di tích thuộc di sản thế giới), dự án đầu tư thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử của đô thị loại đặc biệt.


Về Luật Nhà ở, để tháo gỡ ách tắc trong đầu tư phát triển nhà ở thương mại của các quy định trước đây (muốn phê duyệt dự án nhà ở thương mại thì phải có đất ở và ngược lại, muốn chuyển mục đích đất ở thì phải có dự án nhà ở thương mại đã được phê duyệt), Luật số 03 đã quy định: Doanh nghiệp muốn thực hiện dự án nhà ở thương mại phải có đất ở và các loại đất khác không phải là đất ở, nhưng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; sau khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư được thực hiện các thủ tục để chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở và thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai.


Về Luật Điện lực, để khắc phục tình trạng lưới điện truyền tải không đáp ứng kịp thời tình trạng phát triển “nóng” các nguồn năng lượng tái tạo hiện nay, Luật số 03 đã cho phép thu hút tư nhân làm hạ tầng truyền tải lưới điện với tinh thần “Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng”.


Về các vấn đề khác, Luật số 03 cũng đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu của đời sống xã hội như: giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời hạn 5 năm đối với mặt hàng xe ô tô chạy điện, xe ô tô điện chạy pin; quy định về xử lý tình huống khi người chủ tọa và thư ký cuộc họp của Hội đồng quản trị của công ty không chịu ký biên bản cuộc họp; sửa đổi, bổ sung thẩm quyền thủ tục ủy thác thi hành án, ủy thác xử lý tài sản, nhất là đối với việc thi hành án thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng mà phải thi hành án có nhiều tài sản là bất động sản ở nhiều tỉnh, thành khác nhau…


Luật số 03 sửa đổi 9 luật đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2022 nên việc phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện ngay các nội dung sửa đổi là việc làm rất cần thiết và cấp bách để góp phần sớm đưa luật vào cuộc sống phục vụ cho việc phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay.


Tiến sĩ Luật học LÊ XUÂN THÂN