Hôm nay (19-10), tại TP. Nha Trang diễn ra kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII. Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về nội dung chương trình kỳ họp.
Hôm nay (19-10), tại TP. Nha Trang diễn ra kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII. Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về nội dung chương trình kỳ họp.
- Xin ông cho biết những nội dung trọng tâm trong chương trình kỳ họp này?
- Kỳ họp thứ 3, bên cạnh việc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2021, khả năng cân đối ngân sách địa phương và phương án xử lý, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua 34 nghị quyết, trong đó tập trung thảo luận, xem xét nhiều vấn đề phát sinh thuộc lĩnh vực kinh tế - ngân sách. Cụ thể như: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021, cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công năm 2022, phương án xử lý hụt ngân sách địa phương; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án đầu tư trạm biến áp 500kV Vân Phong, xây dựng hồ chứa nước Chà Rang; chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, nhóm C theo quy định của Luật Đầu tư công; phê duyệt Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025; chính sách hỗ trợ học phí ngành Giáo dục do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, HĐND tỉnh sẽ xem xét, cho ý kiến thông qua cơ chế thu và sử dụng mức thu các loại dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, như: Lệ phí hộ tịch và lệ phí đăng ký cư trú; phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai; một số nội dung trong lĩnh vực thủy lợi. Đồng thời, tiến hành công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.
- Kỳ họp này sẽ đánh giá toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là việc thực hiện dự toán thu năm 2021. Xin ông chia sẻ thêm về nội dung này?
- Những tháng đầu năm 2021, tuy dịch Covid-19 tái bùng phát ở một số tỉnh trên cả nước, nhưng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, tỉnh vẫn kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tổ chức triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư, kích cầu du lịch… Nhờ đó, kinh tế đã có dấu hiệu tích cực, khả quan với mức tăng trưởng dương 0,49%. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến nay, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp khiến tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, du lịch phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Các nguồn lực đều tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh đã tạo gánh nặng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện dự toán thu năm 2021.
Chính vì vậy, tại kỳ họp này, đại biểu HĐND tỉnh sẽ thảo luận kỹ vấn đề điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 (đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, nguồn vốn tăng thu, kết dư, tiết kiệm chi ngân sách địa phương, vốn chuyển nguồn từ năm 2020 sang năm 2021). Qua đó, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định giảm kế hoạch vốn năm 2021 của các dự án bị vướng do thủ tục đầu tư chậm, dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn đã giao, dự án hết nhiệm vụ chi, dự án được giao kế hoạch vốn lớn trong năm 2021 nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có thời gian xử lý vướng mắc (nhất là trong công tác bồi thường giải tỏa) và hoàn thiện thủ tục, không gây áp lực giải ngân vốn cho chủ đầu tư nói riêng và của tỉnh nói chung.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng sẽ xem xét việc thực hiện bổ sung kế hoạch vốn để trả nợ quyết toán cho các dự án theo quy định; giảm nguồn vốn ODA cấp phát và vốn ODA vay lại; điều chỉnh nội bộ nguồn vốn ngân sách Trung ương đối với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020…, qua đó đảm bảo tăng kế hoạch vốn thanh toán khối lượng cho các dự án hoàn thành năm 2021 và bổ sung vào nguồn chưa phân bổ nhằm dự phòng thu ngân sách không đạt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
- Ông có thể chia sẻ thêm một số giải pháp cụ thể HĐND tỉnh sẽ thảo luận, xem xét nhằm xử lý hụt thu ngân sách và điều hành ngân sách trong những tháng cuối năm 2021?
- Hiện nay, tỉnh đang bước vào giai đoạn hai của Kế hoạch thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tại kỳ họp này, trên cơ sở Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2021, khả năng cân đối ngân sách địa phương và phương án xử lý của UBND tỉnh, HĐND tỉnh sẽ thảo luận về phương án xử lý hụt thu ngân sách địa phương; đưa ra những giải pháp giúp UBND tỉnh, các ngành, địa phương trong việc điều hành ngân sách các tháng cuối năm 2021. Trong đó, tập trung vào một số nội dung:
Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01 ngày 1-1-2021 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; rà soát và điều chỉnh giữa các nhiệm vụ chi trong dự toán được giao, hạn chế hủy dự toán hoặc chuyển nguồn dự toán sang năm sau, đảm bảo kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, quốc phòng an ninh.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân nộp thuế theo quy định pháp luật. Hỗ trợ người nộp thuế trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về thuế, đặc biệt là Nghị định số 52/2021 của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp người nộp thuế khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng ngân sách nhà nước bền vững.
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, cần triển khai kịp thời và đầy đủ chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch theo nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, nhất là về an sinh xã hội, tài chính; thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất… Tổ chức mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, thủ tục đúng quy định của pháp luật; đáp ứng được yêu cầu, kịch bản ứng phó dịch Covid-19 trong các tình huống phát sinh.
- Trân trọng cảm ơn ông!
HẢI LĂNG (Thực hiện)