05:08, 18/08/2021

Phát huy giá trị lịch sử một địa chỉ đỏ

Căn nhà 214 đường Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa là nơi diễn ra cuộc họp chuẩn bị cho cuộc biểu tình ngày 16-7-1930, mở ra thời kỳ đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh. Để phát huy giá trị lịch sử của địa điểm này, tỉnh đã quyết định gắn biển lưu niệm tại đây.

Căn nhà 214 đường Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa là nơi diễn ra cuộc họp chuẩn bị cho cuộc biểu tình ngày 16-7-1930, mở ra thời kỳ đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh. Để phát huy giá trị lịch sử của địa điểm này, tỉnh đã quyết định gắn biển lưu niệm tại đây.


Nhân chứng 91 năm


Thực hiện chủ trương của Đảng và xứ ủy Nam kỳ phát động cuộc đấu tranh hưởng ứng, ủng hộ phong trào đấu tranh của công - nông Nghệ Tĩnh, tháng 7-1930, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa chủ trương vận động tổ chức cuộc mít tinh biểu tình ở những nơi có cơ sở đảng mạnh và treo cờ, rải truyền đơn khắp nơi trong tỉnh. Trên cơ sở nhận định phong trào cách mạng ở huyện Tân Định (nay là thị xã Ninh Hòa), Tỉnh ủy chủ trương vận động quần chúng ở đây biểu tình.

 

Căn nhà 214 đường Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp (cũ) ...

Căn nhà 214 đường Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp (cũ) ...


Ngày 16-7-1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ lâm thời tỉnh, hàng ngàn người dân huyện Tân Định với dũng khí cách mạng mạnh mẽ đã tổ chức cuộc biểu tình rầm rộ áp đảo kẻ thù. Trước đó, để tổ chức tốt cuộc biểu tình, vào đêm 13 rạng sáng 14-7-1930, Huyện ủy Tân Định đã triệu tập cuộc họp các bí thư khu vực để bàn biện pháp tập hợp lực lượng quần chúng, tổ chức biểu tình. Căn nhà 214 đường Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa của ông Lê Dung - Tỉnh ủy viên lâm thời, phụ trách Đảng bộ huyện Tân Định được chọn làm địa điểm họp.


Những năm qua, nhận thấy vai trò và ý nghĩa lịch sử quan trọng của địa điểm này, UBND thị xã Ninh Hòa đã có chủ trương lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử cách mạng đối với căn nhà nói trên. Qua đó, địa điểm này sẽ làm nơi tổ chức tham quan, giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ; đồng thời có thể sử dụng di tích để tổ chức các buổi sinh hoạt những chủ đề truyền thống, kể chuyện lịch sử cho học sinh trên địa bàn thị xã trong các buổi ngoại khóa.


Gắn biển lưu niệm


Đến nay, ngôi nhà trên vẫn được các con, cháu của vị lão thành cách mạng Lê Dung sinh sống, gìn giữ. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều hạng mục đã được sửa chữa, thay đổi.

 

và hiện trạng.

..... và hiện trạng.


Sau khi xem xét hồ sơ đề nghị lập di tích lịch sử cách mạng của địa phương, Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ trì tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị chuyên môn về chủ trương xếp hạng di tích đối với ngôi nhà của ông Lê Dung. Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho thấy, việc phục dựng căn nhà để trở thành một địa điểm di tích cần được nghiên cứu thêm, vì hiện nay hệ thống di tích liên quan đến sự kiện ngày 16-7-1930 ở Ninh Hòa tương đối nhiều. Chẳng hạn như: Tượng đài 16-7; Trường Pháp - Việt Ninh Hòa; đặc biệt là di tích cấp quốc gia Phủ đường Ninh Hòa đã được đầu tư tu bổ, phục dựng rất bài bản, chi tiết. Ngoài ra, qua khảo sát, các yếu tố gốc của ngôi nhà 214 đường Trần Quý Cáp đã không còn giữ được nguyên trạng…


Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, đơn vị, Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu UBND tỉnh không xếp hạng di tích lịch sử cách mạng đối với địa điểm nhà 214 đường Trần Quý Cáp, thị xã Ninh Hòa, mà thực hiện việc gắn biển lưu niệm sự kiện tại địa điểm trên để góp phần giáo dục về truyền thống lịch sử cách mạng của địa phương và tỉnh.


Được biết, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản thống nhất với đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao. UBND thị xã Ninh Hòa cũng đã thông báo đến gia đình của ông Lê Dung về chủ trương này.


Hồng Đăng